Dân Việt

Đề xuất quy mô hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Hồng Trâm 18/03/2023 09:41 GMT+7
Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được kỳ vọng "chia lửa" với thế độc đạo quốc lộ 22 đang quá tải, góp phần kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đề xuất quy mô cao tốc TP.HCM - Mộc Bài hoàn chỉnh 8 làn xe

Liên quan đến dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Bình), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM làm rõ về quy mô đầu tư dự án giai đoạn hoàn chỉnh.

Theo Sở GTVT, tại quyết định số 326/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được quy hoạch từ 6 - 8 làn xe.

Tuy nhiên, tại quyết định số 1454/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được quy hoạch 6 làn xe toàn tuyến.

Đề xuất quy mô hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, kết nối vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam - Ảnh 1.

Sở GTVT TP.HCM kiến nghị xây dựng kịch bản để giải quyết vấn đề thời điểm mãn tải giai đoạn 1 dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Ảnh: H.T

Trước vấn đề này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông - đơn vị chuẩn bị dự án) cho rằng, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua TP.HCM có 8 làn xe (sau năm 2045) là cần thiết, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai và phù hợp với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt.

Dự kiến quy mô đầu tư giai đoạn 1 dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài 4 làn xe với thời gian thu phí hoàn vốn là 26 năm 10 tháng (dự kiến thời điểm kết thúc thu phí vào năm 2055). Tuy nhiên, quy mô giai đoạn 1 chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải trong giai đoạn đến năm 2041 (khoảng 13 năm sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 1). Điều này đồng nghĩa thời điểm mãn tải giai đoạn 1 sớm hơn thời điểm kết thúc thu phí sẽ ảnh hưởng đến quá trình tổ chức khai thác dự án.

Trước tình hình trên, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Ban giao thông khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các kịch bản để giải quyết vấn đề thời điểm mãn tải giai đoạn 1 dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sớm hơn thời điểm kết thúc thu phí.

Đề xuất quy mô hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, kết nối vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam - Ảnh 3.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giảm tải cho áp lực giao thông hiện tại của quốc lộ 22. Ảnh: H.T

Sau khi đưa dự án vào khai thác giai đoạn 1, căn cứ nhu cầu giao thông thực tế trong tương lai, trường hợp cần thiết đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh 8 lần xe, Ban giao thông kịp thời báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện các thủ tục liên quan đến điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tăng kết nối vùng

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài khoảng 50km, kết nối TP.HCM với Tây Ninh, triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng trong giai đoạn 1. Tuyến cao tốc đi qua hai địa phương, nhưng TP.HCM được giao chủ trì thực hiện. 

TP.HCM dự kiến các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ hoàn thành quý 3/2023, sau đó chọn nhà đầu tư ký kết hợp đồng vào quý 2/2024. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện từ quý 4/2023 đến quý 3/2025. Công trình được thi công hoàn thành trong ba năm, từ 2024 đến 2027.

Đây là tuyến đường đặc biệt quan trọng góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia. Công trình phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM qua Tây Ninh, giảm tải quốc lộ 22.

Đề xuất quy mô hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, kết nối vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam - Ảnh 4.

Sớm đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài để phục vụ người dân. Ảnh: H.T

Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đang quá tải hoặc xuống cấp gây trở ngại cho quá trình trên. Theo các chuyên gia, tuyến quốc lộ 22 hiện là tuyến giao thông duy nhất kết nối trung tâm thành phố với huyện Củ Chi và tỉnh Tây Ninh, thường xuyên ùn tắc vì lưu lượng phương tiện lớn mà đường không tương xứng. Ngoài ra, tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 8, 7, 9 kết nối huyện Củ Chi với các tỉnh như Bình Dương, Long An, Tây Ninh... đều nhỏ hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng đến giao thương, liên kết vùng.

Do đó, để thu hút nhà đầu tư, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Tây Bắc TP.HCM, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông trục chính như Quốc lộ 22, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Đặc biệt, huyện Củ Chi nằm ở cửa ngõ giao lưu quốc tế phía Tây Bắc của TP.HCM, nếu tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài hoàn thành thì không chỉ rút ngắn thời gian đi lại từ TP.HCM đến Tây Ninh mà còn mở rộng giao thương giữa 2 tỉnh, thành và giao thương với các nước láng giềng.