Gần đây, thị trường đang tràn ngập mặt hàng dâu tây có giá cả phải chăng, chỉ từ 80.000 đồng/kg. Đa phần dâu tây được bán ở Hà Nội đều có xuất xứ từ Sơn La.
Một số hộ nông dân ở Sơn La sau khi trồng dâu tây ghi nhận doanh thu đạt hàng tỷ đồng cho mỗi ha.
Theo ông Trần Văn Hiền, Phó chủ tịch HĐND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, trong vụ 2022-2023, diện tích trồng dâu tại địa phương đã tăng một cách đột biến, lên tới 300-400 ha. Điều này xuất phát từ việc người nông dân đã tự tin hơn vào sản phẩm sau khoảng thời gian 8-10 năm tích lũy kinh nghiệm gieo trồng.
Bên cạnh đó, năng suất trồng cũng rất tốt. Trao đổi với Zing, ông Hiền cho biết các hộ nông dân tại Sơn La trung bình trồng được 35.000 cây/ha. Mỗi cây trung bình cho ra từ 0,5-1,2 kg quả.
Ông Hiền chia sẻ rằng trong giai đoạn tháng 12 năm ngoái, dâu tây mới chín nên có giá khá cao, có thể lên tới 300.000-400.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện dâu tây đang vào chính vụ nên giá rẻ hơn. Đối với những trái dâu bi có kích thước nhỏ, giá chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Số dâu mà huyện này tung ra thị trường mỗi ngày chạm ngưỡng 60-70 tấn.
Nhận định về mức giá rẻ như hiện tại, ông cho rằng do tính chất khó bảo quản của dâu tây Sơn La nên người bán buộc phải hạ giá để đẩy hàng thật nhanh. Tuy nhiên, chính vì mức giá quá thấp nên người tiêu dùng đã có những hiểu nhầm không đáng có về xuất xứ của sản phẩm này.
Theo ông Hiền, huyện Mai Sơn, một trong những vùng trồng dâu lớn nhất tỉnh Sơn La, sẽ phải thắt chặt quản lý về việc quy hoạch vùng trồng, tránh việc các hộ dân trồng không kiểm soát như hiện tại.
Dâu là mặt hàng trái cây mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân tại Sơn La. Doanh thu một số nơi còn tới 3-4 tỷ đồng/hecta
Ông Trần Văn Hiền, Phó chủ tịch HĐND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Ngoài ra, ông cũng kiến nghị các cơ quản lý biên giới nên giám sát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập lậu dâu tây. Việc các nghi vấn nguồn gốc từ Trung Quốc đang gây thiệt hại nặng nề cho nông dân tại Sơn La. Doanh thu bán dâu tây của một số hợp tác xã đã giảm hơn một nửa sau khi các thông tin tiêu cực được đăng tải.
“Dâu là mặt hàng trái cây mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân tại Sơn La. Các hộ chỉ cần bán trung bình 30.000-40.000 đồng/kg là hòa vốn. Doanh thu một số nơi còn tới 3-4 tỷ đồng/ha”, ông Hiền chia sẻ với Zing.
Ông cho biết dâu tây Sơn La có mức giá 30.000-40.000 đồng/kg là hợp lý và không hề bất thường vào thời điểm chín rộ. Việc giá dâu rẻ không đồng nghĩa với việc chất lượng mặt hàng đi xuống và nguồn gốc không đảm bảo.
Ông Trần Văn Hiền rất tự tin vào chất lượng dâu tây Sơn La. Những trái dâu tại đây được trồng ở độ cao từ 1.000 m trở lên, khí hậu mát mẻ. Ngoài ra, nông dân vẫn chăm bón bằng phương pháp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Dẫu vậy, dâu tây Sơn La vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
“Dâu tây sẽ nhanh hỏng nếu không được sấy khô hoặc đông lạnh. Trong khi đó, việc vận chuyển tiêu tốn rất thời gian. Vì vậy, mặt hàng này rất khó xuất khẩu do chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong khâu bảo quản”, ông Hiền cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thụy, Giám đốc hợp tác xã dâu tây Ichi Farm, cho biết việc xuất khẩu dâu tây ra thị trường quốc tế còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, tin tích cực là thị trường nội địa vẫn đang cho kết quả khả quan, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM.
“Trước khi có các tin đồn không chính xác, cung gần như không đáp ứng nổi cầu. Trong đó, thị trường Hà Nội vẫn là trọng điểm chính. Nếu trong TP.HCM, chúng tôi bán được 1 tấn hàng thì tại Hà Nội, con số đó phải lên tới 4 tấn”, ông Thụy chia sẻ với Zing.
Theo ông Thụy, hiện dâu tây ở Sơn La đang dùng giống Hana của Nhật Bản. Còn đối với dâu tây Đà Lạt, giống cây đến từ Mỹ và New Zealand. Dâu tây Sơn La thiên về vị ngọt, còn dâu Đà Lạt sẽ có vị chua.
Người dân Sơn La đã trồng giống dâu tương tự tại Đà Lạt cách đây 5 năm. Tuy nhiên, các hộ nông dân đã chuyển sang dùng giống Hana vì năng suất và chất lượng cao hơn.
Ông Thụy cho biết những quầy hàng rong ngoài chợ bán dâu tây Sơn La không kèm bao bì, tem mác nhằm cắt giảm tối đa chi phí, từ đó hạ giá sản phẩm.
“Chi phí cho bao bì, tem mác tốn hơn 10% giá sản phẩm. Các sản phẩm được bán trong siêu thị hoặc khách sạn vẫn được đi kèm tem mác vì lợi nhuận thu về khá cao và có thể bù lại tiền vốn”, ông Thụy bình luận.
Tuy nhiên, cả ông Thụy và ông Hiền đều khuyến khích các hộ nông dân tham gia hợp tác xã và đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Nếu tình trạng hàng trôi nổi tiếp tục tái diễn sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu dâu tây Sơn La.