Clip: Dinh Hoàng A Tưởng hơn 100 năm vùng cao nguyên trắng Bắc Hà.c
Dinh thự Hoàng A Tưởng: Minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của vùng Cao nguyên trắng Bắc Hà Hơn 100 năm tồn tại cùng mưa - nắng, sau nhiều lần tu sửa, dinh thự Hoàng A Tưởng mặc dù đã mất đi phần nào vẻ cổ kính, nhưng nét đẹp hài hòa trong sự pha trộn kiến trúc, sự vững chãi của một dinh thự, một pháo đài vẫn còn nguyên vẹn.
Chủ nhân cũ của ngôi nhà là ông Hoàng Yến Tchao (1883- 1959), dân tộc Tày. Mặc dù là người Tày nhưng người ta quen gọi ông là vua của người Mông (vua Mèo) vì trước đây người Mông chiếm đến gần 70% dân số toàn vùng. Ông Hoàng Yến TChao lại cai trị vùng đất này nên có tên vua Mèo là vì thế. Ông Hoàng Yến Tchao có tất cả 4 bà vợ và 7 người con đẻ, trong đó có 2 người con trai và 5 người con gái. Con trai cả là ông Hoàng A Tiển, con thứ 2 là ông Hoàng A Tưởng. Ảnh: Mùa Xuân.
Ông Hoàng A Tưởng được cha vô cùng yêu quý, lớn lên lại được cha tin tưởng cho sang Pháp du học, khi về ông thường cùng cha giải quyết công việc lớn nhỏ trong nhà, quan hệ với các thổ ty khác trong vùng Tây Bắc nên người ta biết nhiều về ông Hoàng A Tưởng hơn người anh trai của ông là Hoàng A Tiển. Vì thế người dân trong vùng mới gọi đây là dinh thự Hoàng A Tưởng. Ảnh: Mùa Xuân.
Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng năm 1914 và hoàn thành vào năm 1921. Bố cục tòa nhà như một pháo đài khép kín, chỉ có một cửa vào duy nhất, bố trí các lỗ châu mai dọc theo hành lang phía trước nơi có lối vào tòa nhà và cửa chính ở trên cao. Điều này thuận tiện cho việc bảo vệ. Ảnh: Mùa Xuân.
Bao quanh khu dinh thự rộng 10.000m2 còn có bức tường đất trình dày 80cm và cao 2,8m. Và thiết kế đường cho lính tuần tra canh gác. Phía trước nhà chính của dinh thự có 2 câu đối bằng chữ Hán có nghĩa là: "Mùa xuân vĩnh hằng, Dòng họ hiển vinh". Thể hiện ước muốn của ông Hoàng Yến T.Chao khi xây dựng dinh thự. Ảnh: Mùa Xuân.
Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng trên một khu đất cao ráo vuông vức, có gò đằng sau, trước có sông suối với mong muốn của chủ nhà là tài lộc hanh thông, sức khoẻ dồi dào, bổng lộc xung đầy, quyền cao chức trọng. Kiến trúc ngôi nhà có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách châu Âu và châu Á. Ảnh: Mùa Xuân.
Dinh Hoàng A Tưởng có một kiến trúc đặc biệt ít gặp, đó là kết hợp vừa để ở, để làm việc và là pháo đài phòng thủ. Ảnh: Mùa Xuân.
Trải qua một thế kỷ tồn tại, dinh thự Hoàng A Tưởng mang dáng vẻ trầm tư cổ tính. Theo thời gian nhuốm đậm trên từng viên ngói, dãy hành lang, cây cột nhà, bức tường rêu phong cũ kỹ… Ảnh: Mùa Xuân.
Khi đứng trong khuôn viên của dinh thự chúng ta sẽ cảm nhận được sự kín đáo, chắc chắn nhưng những luồng gió tự nhiên không thiếu ở tất cả các góc khuất. Ảnh: Mùa Xuân.
Năm 1999, dinh thự được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà giờ đây lại trở thành điểm du lịch yêu thích của du khách mỗi lần tới Bắc Hà. Ảnh: Mùa Xuân.
Anh Lâm Văn Thắng, đại diện Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai cho biết, dinh Hoàng A Tưởng trở thành điểm dừng chân hấp dẫn của du khách thập phương mỗi dịp ghé thăm vùng cao nguyên trắng Bắc Hà.
Những bức ảnh của gia đình ông Hoàng Yến Tchao được lưu lại trong dinh Hoàng A Tưởng như một “chứng nhân” của lịch sử, nơi ghi dấu một phần đời sống người dân cao nguyên trắng Bắc Hà nửa đầu thế kỷ 20. Ảnh: Mùa Xuân.
Cây đinh mộc hương do ông Hoàng Yến Tchao trồng. Ảnh: Mùa Xuân.
Phía sau tòa nhà chính trong dinh Hoàng A Tưởng còn có hầm thoát hiểm được xây dựng công phu. Ảnh: Mùa Xuân.
Ngày nay, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là nơi trưng bày và lưu giữ những nét văn hóa cũng như triển lãm ảnh về đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên trắng Bắc Hà. Ảnh: Mùa Xuân.