Anh Huỳnh Lương Nhân, 28 tuổi ở quận Ô Môn, TP.Cần Thơ cho biết, anh và nhóm bạn của mình vừa xây dựng thành công mô hình trồng nấm mối đen.
Mô hình điểm trồng nấm mối đen của anh Huỳnh Lương Nhân. Video: Huỳnh Xây
Hiện, anh Nhân và các cộng sự đang làm mô hình điểm tại nhà nông dân Nguyễn Văn Phương (SN 1963), ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Diện tích trồng nấm mối đen nơi đây là 120m2 (15.000 phôi).
Hiện, cơ sở này đang thu hoạch được 15-25 kg nấm mối đen/ngày (tùy thời điểm), với giá bán nấm mối đen từ 200.000 - 350.000 đồng/kg, giúp anh Nhân thu về từ 3 - 8,7 triệu đồng.
Theo anh Nhân, khách hàng tiêu thụ nấm mối đen là các nhà hàng, siêu thị và quán ăn ở TP.HCM và các tỉnh miền Trung. Sắp tới, anh sẽ hợp tác tiêu thụ nấm mối đen với các công ty xuất khẩu ra nước ngoài.
Anh Nhân cho biết, bản thân thấy tiềm năng trồng cây nấm mối đen rất cao (giá bán cao hơn các loại nấm dễ trồng khác, dinh dưỡng cao tương tự như với nấm mối ngoài tự nhiên) nên quyết định tìm hiểu và đầu tư từ tháng 6 năm 2022.
Lúc đầu anh chỉ trồng khoảng 1.500 phôi (có nguồn gốc Thái Lan để vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau thời gian cải thiện quy trình liên tục, số phôi trồng tăng lên liên tục và hiện nay là 15.000 phôi.
"Trồng nấm mối đen nói dễ không dễ, nói khó không khó, chẳng qua là biết kỹ thuật trồng hay không. Nếu được trồng trong nhà kín, kiểm soát được môi trường, nhiệt độ duy trì từ 26-28 độ C, độ ẩm trên 80%, không gian sạch thì nấm mối phát triển tốt" - anh Nhân chia sẻ.
Theo anh Nhân tính toán, nếu trồng trong điều kiện tốt như đã nói ở trên, 1 phôi có thể thu hoạch từ 4-5 tháng, đạt năng suất từ 250-300 gram thành phẩm.
Trong quá trình trồng, anh sử dụng giá thể cát để cho nấm mối đen có màu sắc đẹp hơn, dễ sơ chế và hạn chế được tình trạng dịch hại tấn công.
Do rất ít người trồng nấm mối đen nên anh Nhân quyết định nhân rộng mô hình bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế nhà trồng và cung cấp phôi cho người dân vùng ĐBSCL, trước mắt sẽ nhân rộng mô hình ở tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, bao tiêu đầu ra cho khách hàng.
Anh Nhân cho rằng, nếu đầu tư từ 70-100 triệu đồng cho nhà kín trồng nấm mối đen, sau 6 tháng có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lợi nhuận trên 50% sau đó. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, phải luôn kiểm soát được quy trình kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết, trước đây gia đình ông trồng bưởi. Tuy nhiên, vài năm gần đây cây bưởi không phát triển tốt nên đã chuyển sang trồng sầu riêng. Trong thời gian chờ cây sầu riêng lớn cho trái, gia đình ông quyết định hợp tác với nhóm của anh Nhân để thực hiện mô hình điểm trồng nấm mối đen.
"Nấm mối đen ngày xưa chỉ có người dân nông thôn ăn, chứ người dân ở thành thị không biết đâu. Vì nó chỉ xuất hiện ở khu vườn tạp, có độ ẩm cao. Do đặc điểm ăn ngon, tốt cho sức khỏe nên người dân ở đâu cũng nghe và biết đến loại nấm này
Ông Phương nhận thấy, mô hình trồng nấm mối đen rất hiệu quả. Ngoài hiệu quả về kinh tế đã nêu, sau khi thu hoạch hết các đợt nấm mối đen, phần phụ phẩm bỏ đi còn ông Phương dùng để bón lót cho gốc cây sầu riêng (có xử lý bằng thuốc trichoderma).
Anh Huỳnh Lương Nhân cho hay, ở ĐBSCL, nấm mối có ngoài tự nhiên ăn rất ngon nhưng số lượng ít, rất khó kiếm, nó phát triển phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Còn nấm mối đen có dinh dưỡng tương tự và trồng được quanh năm. Mỗi ngày mô hình của anh thu hoạch 4 lần (nấm lớn rất nhanh), có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết nên rất an tâm về đầu ra cũng như về kỹ thuật trồng.