Dân Việt

Xét xử siêu lừa Hà Thành: Cựu nhân viên ngân hàng bật khóc, nói mong “được chết đi”

Gia Bình 20/03/2023 15:52 GMT+7
Có 17 cựu cán bộ nhân viên ba ngân hàng bị cáo buộc giúp sức cho Hà Thành lừa đảo hơn 433 tỷ đồng dù không hưởng lợi. Nhiều người trong số này nói mong “được chết đi” để không làm khổ gia đình.

Chiều 20/3, tại TAND TP.Hà Nội, 26 bị cáo trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo 433 tỷ đồng của Ngân hàng Việt Á (VAB), Quốc Dân (NCB), PVcombank và một số cá nhân được nói lời sau cùng.

Theo cáo trạng, Hà Thành nhờ nhiều người đưa mình sổ tiết kiệm hoặc đứng tên đồng sở hữu tiền tiết kiệm tại các ngân hàng trên. Cô ta sau đó giả chữ ký của họ, thế chấp sổ tiết kiệm cho khoản các vay của mình. Những chủ sổ tiết kiệm hoặc đồng sở hữu không biết việc này.

Ngoài ra, Thành còn đi "vay ngoài" và một số người bị cáo buộc cho cô ta "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Nhóm 17 nhân viên ngân hàng giúp sức cho Thành bị truy tố về hành vi lừa đảo hoặc vi phạm quy định hoạt động của ngân hàng.

Xét xử siêu lừa Hà Thành: Nhân viên ngân hàng bật khóc, nói mong “được chết đi” - Ảnh 1.

Nhiều cựu nhân viên ngân hàng trong vụ Hà Thành nói "mong được chết đi". 

Được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án, Nguyễn Thị Hà Thành trình bày: "Tôi đã bị giam hơn 1500 ngày, suốt thời gian đó mong chờ ngày đứng trước HĐXX và bị hại, người liên quan để gửi lời xin lỗi tất cả mọi người. Tôi thực sự áy náy vì lỗi của mình nên hình phạt thế nào tôi cũng chấp nhận. Mong HĐXX xem xét các bị cáo khác vì họ tin tưởng tôi nên phạm tội".

Thành đang bị kiểm sát viên đề nghị tòa phạt tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Một bị cáo khác, Đặng Thị Quỳnh Hương, cựu nhân viên VAB bật khóc, nói: "Bị cáo đứng đây ngày hôm nay, chờ đợi 2 năm rưỡi để kêu oan. Suốt thời gian đó, nhiều lần bị cáo mong có thể ngủ 1 giấc và sáng sau không dậy nữa".

Bà Hương đang bị đề nghị án từ 14 – 16 năm tù cho các hành vi đồng phạm lừa đảo với Hà Thành và vi phạm quy định hoạt động của ngân hàng.

Theo Quỳnh Hương: "Có quá nhiều vấn đề trong việc buộc tội bị cáo, đầy tiên là tội lừa đảo, tại tòa Hà Thành nói bị cáo không tham gia, bàn bạc nhưng viện kiểm sát dùng lời khai của những người có quyền lợi đối lập bị cáo để buộc tội, không giám định camera, không làm rõ việc tại sao có chữ ký giả. Nếu không có chữ ký giả, việc phong tỏa tài khoản có xảy ra không?"

Về tội vi phạm hoạt động của ngân hàng, Quỳnh Hương cho rằng: "Viện kiểm sát dùng những công văn, văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng buộc tội bị cáo. Các bị cáo khác cùng ký tờ trình nhưng không bị truy tố tội vi phạm vì không tham gia quá trình giải ngân".

Quỳnh Hương cho hay đã không tham gia giải ngân theo quyết định 1251 năm 2017 về phạm vi, chức năng của mình. "Tờ trình là có sau khi đã ký hợp đồng tín dụng của các khách hàng, thể hiện có người đồng sở hữu, có tài sản của khách hàng mà lại quy kết vay không tài sản đảm bảo. Các văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng này và bị cáo bị buộc tội bởi những văn bản này".

Bị cáo Thu Hương, cựu nhân viên VAB bật khóc khi nói lời sau cùng.

Một bị cáo khác, Lê Thị Hiên, cựu nhân viên VAB khai chỉ thử việc ở nhà băng này 5 tháng nhưng hiện phải "đánh đổi bằng 5 năm" và: "Nhiều lúc bị cáo chỉ muốn chết đi cho bố mẹ đỡ khổ".

"Chết cho đỡ ảnh hưởng gia đình" là câu của nhiều bị cáo khác tại tòa. Nhóm này cho hay vì tin tưởng Nguyễn Thị Hà Thành hoặc thiếu hiểu biết pháp luật nên dẫn tới hành vi phạm tội.

Trong phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát cũng cho rằng các ngân hàng có lỗi vì để nhân viên của mình sai phạm nên phải hoàn trả tiền gửi tiết kiệm cho các chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu. "Như bị cáo Lê Thị Hiên, mới thử việc vài tháng rồi nghỉ đã bị truy tố, đây là lỗi lớn trong đào tạo của ngân hàng", kiểm sát viên nói.

Chủ tọa Phan Huy Cương cho hay sẽ tuyên án vào sáng 24/3.