Bóng đá nói chung và bóng đá trẻ nói riêng luôn có những bất ngờ thú vị, những điều lặp đi, lặp lại nhưng không thể rút kinh nghiệm hoặc làm bất cứ điều gì. Ngay ở giải đấu mới nhất châu lục, Cúp bóng đá U20 châu Á, 2 đội bóng Nhật Bản và Hàn Quốc hùng mạnh, thắng như chẻ tre ở vòng bảng, ở tứ kết, nhưng đến bán kết gặp đối thủ xứng tầm thì lúng túng, bế tắc và không còn nhìn thấy bất cứ thế mạnh vốn có nào và phải nhận kết cục thua trận.
U17 SLNA ở giải đấu này cũng mang đầy đủ bóng dáng đó khi thắng dễ các đội dưới cơ, không để thủng lưới bàn nào ở cả vòng bảng lẫn tứ kết, được coi là “phong độ hủy diệt”. Điều này tất yếu dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, coi thường đối thủ, không sẵn sàng cho những trận đấu khó khăn, những bất ngờ ở phía trước. Ngoài ra, còn phải kể đến một tiền lệ xấu của cả đội 1 SLNA lẫn các đội trẻ là gần đây khi gặp Viettel thì thường thua trận, thua sớm ngay cả khi chưa đá. Đội đàn anh SLNA thường thua từ các tình huống cố định và đội đàn em cũng lặp lại thảm họa đó mà không sao khắc phục được.
Trong trận bán kết gặp U17 Viettel, những Trọng Tuấn, Trọng Sơn… sau khi bị đối thủ quây chặt và tỏ ra khá rắn mặt mỗi khi đối đầu, ngay lập tức mang nặng tâm lý và thi đấu kém hiệu quả. Những tình huống đá phạt vốn được thực hiện tuyệt tác trước đó nay chủ yếu... "đi tìm chim". Trọng Tuấn có ít nhất 2 cơ hội để đưa trận đấu về vạch xuất phát nhưng đã phá hỏng cơ hội của cả đội. Tâm lý bị đè nặng, trong một buổi chiều căng cứng, thiếu may mắn thì việc gì đến sẽ đến. Đối thủ chơi không hay nhưng đủ bản lĩnh để thực hiện một tình huống đá phạt đẳng cấp và chỉ một cơ hội để làm nên chiến thắng. Còn U17 SLNA liên tục phải chơi trái sở trường sau khi bị dẫn, càng trở nên rối rắm, bất lực…
Ở đây, có thể thấy rõ ban huấn luyện đã bất lực trong việc giúp các học trò gỡ bỏ tâm lý căng cứng và tìm lại chính mình ở những thời điểm quyết định. Điều này cũng chứng minh việc cả thầy và trò không được tôi luyện thường xuyên trong những môi trường khắc nghiệt, không được thi đấu nhiều ở các trận đấu chất lượng với đối thủ xứng tầm thì mọi việc sẽ vô cùng khó gỡ, khó xử.
Rõ ràng, ban huấn luyện hiện tại không kế thừa được những kinh nghiệm, bài học mà những người thành công đi trước từng làm tốt truyền lại. Chưa kể, bóng đá trẻ thường dễ đánh mất mình như cách Nhật Bản, Hàn Quốc thua bán kết quan trọng nói trên, là cái giá phải trả cho bất cứ ai nếu muốn đi đường dài.
Lâu nay, người ta thường tự hào, phấn khích khi các đội trẻ SLNA thắng dễ, thắng như chẻ tre các đối thủ ở các trận đấu vòng loại, vòng bảng, mà quên đi rằng, phải gặp đối thủ xứng tầm mới biết ai là ai?
U17 SLNA trên thực tế là “vua giải trẻ” với 8 lần lên ngôi nhưng lần gần nhất là lứa Xuân Tiến, Văn Cường vô địch hồi 2020, còn sau đó liên tục thua bán kết, tức là sẽ gặp khó khi gặp đối thủ xứng tầm. U19 hay U21 SLNA cũng rơi vào tình huống tương tự, tức là càng lên cao càng không dễ dàng và câu chuyện sạch bóng ở U23 Việt Nam nhiều lần liên tục đang chứng minh điều không mong muốn đó. Đó là cái “ngưỡng” mà lò SLNA không thể vượt qua sau thời Văn Đức, Xuân Mạnh.