Dân Việt

Nông dân nghèo Sóc Trăng có thu nhập tốt hơn nhờ vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi bò, nuôi heo

Đức Thịnh 21/03/2023 12:01 GMT+7
Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện tốt việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhiều mô hình nuôi bò, nuôi heo, trồng cây ăn trái ở Sóc Trăng đã giúp nông dân tăng thu nhập...

Có vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi bò sinh sản, nuôi heo hiệu quả

Anh Sơn Văn Thăng (ở xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung) là một trong những nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Anh Thăng cho biết, anh bắt đầu nuôi bò vào năm 2006. Do diện tích hạn chế nên anh chỉ nuôi 2 con bò sinh sản, rồi đợi bán bê con. Đến năm 2020, vợ chồng anh được Ngân hàng CSXH hỗ trợ cho vay 90 triệu đồng, anh đã dùng số tiền này xây chuồng bò mới.

Đưa nguồn vốn quý đến tay hộ nghèo - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, nông dân huyện Trần Đề, Sóc Trăng đã đầu tư nuôi lợn hiệu quả. Ảnh: P.V

Đưa nguồn vốn quý đến tay hộ nghèo - Ảnh 2.

"Chuồng rộng rãi, cao ráo, sạch sẽ, số lượng bò được nuôi nhiều hơn nên đàn bò cái thay phiên sinh sản. Nhờ mở rộng chuồng trại mà tôi giữ lại được nhiều bê con, nuôi sinh sản. Hiện, tôi có 9 bò cái sinh sản và 5 con bê. Khu vực chuồng nuôi này có thể chứa được hơn 20 con bò sinh sản và khoảng chục con bê, tùy thời điểm giá bê bán được từ 15 - 20 triệu đồng. Nhẩm tính từ năm 2020 đến nay, tôi đã xuất chuồng 8 con bê" - anh Thăng nói.

Cũng được Ngân hàng CSXH trao vốn vay ưu đãi đầu tư chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (ở ấp Mỹ Lợi A, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú) bộc bạch: "Sau khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền vận động, tôi tự nguyện xin gia nhập vào Tổ Tiết kiệm và vay vốn của ấp Mỹ Lợi A. Qua sinh hoạt tại tổ, tôi được biết Ngân hàng CSXH có nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp nên đã đăng ký và được bình xét cho vay 30 triệu đồng".

Từ nguồn vốn vay, gia đình bà Thúy đã đầu tư mua 4 con lợn sinh sản và xây dựng chuồng trại, mua thức ăn để chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống. "Đến nay, gia đình tôi đã phát triển đàn lợn lên đến hàng chục con, thu nhập được ổn định. Tôi luôn chấp hành tốt nghĩa vụ vay, hàng tháng nộp lãi và tham gia tiền gửi tiết kiệm qua tổ vay vốn để tích lũy trả dần vốn vay" - bà Thúy cho biết thêm.

Hội Nông dân nhận ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả

Gia đình anh Đăng, bà Thúy là 2 trong số hàng chục nghìn hộ nông dân trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH.

Bà Phạm Lệ Lam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thực hiện văn bản liên tịch giữa Ngân hàng CSXH và Hội Nông dân tỉnh về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, các cấp Hội Nông dân đã tích cực, chủ động phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

Đưa nguồn vốn quý đến tay hộ nghèo - Ảnh 3.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, nông dân huyện Châu Thành, Sóc Trăng đã đầu tư nuôi bò sinh sản hiệu quả. Ảnh: P.V

Đến nay, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng quản lý trên 1.123,7 tỷ đồng (chiếm hơn 25,9%/tổng dư nợ ủy thác). Song song đó, chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng lên. Từ việc triển khai có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH đã giúp hội viên nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cho sản xuất, xây dựng công trình nước sạch, chăn nuôi, trồng trọt, xây mới và sửa chữa nhà ở... Qua đó góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh; số hộ hội viên nông dân khá, giàu tăng lên.

Bà Phạm Lệ Lam cho biết thêm, để nâng cao trình độ, năng lực quản lý nguồn vốn, Hội Nông dân tỉnh luôn chú trọng và phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, Tổ trưởng các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Cùng với đó, hàng năm Hội Nông dân tỉnh phối hợp các ngành liên quan tổ chức gần 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho hơn 2.500 hội viên nông dân, người vay vốn để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.