Le le là con gì mà bay như chim, một nông dân Sóc Trăng nuôi thành công, bán đắt hàng?

Lê Vũ (Cổng TTĐT Đảng bộ Sóc Trăng) Thứ ba, ngày 07/02/2023 09:01 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, thành phố Sóc Trăng đã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng; trong đó, có mô hình nuôi le le (hay còn gọi là vịt trời) để lấy thịt của ông Thái Anh Hùng, khóm 6, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Bình luận 0
Để khuyến khích nông dân thực hiện mục tiêu chuyển đổi cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả, những năm gần đây, thành phố Sóc Trăng đã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới được triển khai, đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng; trong đó, có mô hình nuôi le le (hay còn gọi là vịt trời) để lấy thịt của ông Thái Anh Hùng, khóm 6, phường 6, thành phố Sóc Trăng.

 

Le le là con gì mà bay như chim, một nông dân Sóc Trăng nuôi thành công, bán đắt hàng - Ảnh 1.

Mô hình nuôi le le lấy thịt của ông Thái Anh Hùng ở phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Lê Vũ

 

 Ông Thái Anh Hùng làm nghề hớt tóc, qua nghe báo đài thấy mô hình nuôi le le phù hợp với điều kiện gia đình, nên ông đã mạnh dạn đầu tư mua con giống, đào ao để nuôi le le làm kinh tế. Khởi đầu chỉ có vài cặp le le giống, sau hơn 5 năm gầy dựng, giờ đây ông đã có trên 100 con le le giống và le le thịt xuất bán mỗi năm. 

Ông Hùng cho biết: Hiện giờ nhu cầu của người tiêu dùng rất cao, tôi cung cấp le le ra thị trường vừa nâng cao thu nhập, vừa hạn chế được tình trạng săn bắt le le tự nhiên. 

Lúc mới bắt tay vào nuôi, ông Hùng dùng lưới bao quanh ao nuôi để giữ được le le giống, nhưng chi phí cao lại và không khai thác được le le tự nhiên; vì vậy, những năm sau này ông bỏ lưới để thu hút nhiều le le hoang đến ăn và đẻ trứng, từ đó số lượng le le ngày tăng thêm. 

Để cung cấp đủ thức ăn cho hằng trăm con le le, ông Hùng tận dụng phần kênh trước nhà nuôi bèo; ngoài ra ông còn cho ăn thêm gạo và lúa để le le phát triển nhanh. Mỗi năm, một con le le mái đẻ 6 - 7 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 trứng; ổ đẻ cũng rất đơn giản chỉ cần kê vài cục gạch, bên trong lót một ít rơm rạ hoặc lá chuối khô để giữ ấm. Trứng le le sau 25 ngày ấp sẽ nở con, sau 10 ngày tuổi, ông Hùng cắt hai chót cánh để le le không thể bay được.

Sau 5 tháng nuôi, mỗi con le le có thể đạt trọng lượng từ 300 - 400g và có thể xuất được. Hiện tại, le le thịt đang được thương lái tìm đến tận nơi để mua với giá cao. Vào mùa mưa do lượng le le tự nhiên nhiều nên 1 con có giá khoảng 250.000 đồng, đến mùa nắng thì hiếm hàng, mỗi con có giá khoảng 400.000 đồng. Ngoài việc bán thịt, ông còn chia con giống cho những người có nhu cầu nuôi.

Ngoài le le, ông Hùng còn nuôi thêm chim chích cồ và chim trĩ tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, hiện ông Hùng bán chim trĩ với giá 250.000 đồng/kg. Riêng chim chích cồ, người mua chủ yếu để làm cảnh với giá 1 cặp trống mái trên dưới 1 triệu đồng.

Theo ông Hùng, nuôi le le cũng không tốn nhiều công sức, dễ nuôi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Đặc biệt, với cách nuôi tự nhiên, thịt le le là một đặc sản được người tiêu dùng ưu chuộng và có giá trị kinh tế cao.  Ông Hùng sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật để bà con có thể áp dụng, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem