Dân Việt

Bánh Hú Thái Bình, nghe tên lạ, ăn mới bất ngờ, là món dân làng đãi tướng sĩ đánh thắng quân Thanh trở về

Sở VHTT&DL Thái Bình 22/03/2023 09:00 GMT+7
Bánh khúc - cái tên nghe rất quen với người dân miền Bắc, nó như một món ăn sáng của người Hà Nội, nhưng ở quê tôi-Thái Bình, bánh khúc còn có tên rất dân dã là bánh tầm cúc (tầm khúc hay bánh Hú). Bánh Hú gắn liền với truyền thuyết tết Cùng của người dân quê tôi đón tướng sĩ đánh thắng quân Thanh trở về...
Bánh Khúc - cái tên nghe rất quen với người dân miền Bắc, nó như một món ăn sáng của người Hà Nội, nhưng ở quê tôi nó còn có tên rất dân dã là bánh Tầm Cúc (Tầm Khúc hay bánh Hú). Bánh Hú gắn liền với truyền thuyết tết Cùng của người dân quê tôi.
Bánh Hú Thái Bình, nghe tên lạ, ăn mới bất ngờ, là món dân làng đãi tướng sĩ đánh thắng quân Thanh trở về - Ảnh 1.

Bánh khúc ở vùng quê Vũ Thư (Thái Bình) còn gọi là bánh tầm cúc, bánh tầm khúc hay là bánh Hú. Đây là một loại bánh gắn với tích dân làng làm ra để đãi tướng sĩ trở về làng sau khi đánh thắng quân Thanh thời Quang Trung Nguyễn Huệ.

 Tương truyền rằng vào thời Quang Trung Nguyễn Huệ, tướng quân Đô đài lực sĩ Nguyễn Tất Ứng, người thôn Kiều Thần, Tổng An Lão, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay thuộc thôn Kiều Thần, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) dẫn quân đi dẹp giặc ngoại xâm (đánh quân Thanh) đúng vào dịp Tết Nguyên đán (một số gia phả còn khẳng định đây chính là trận Ngọc Hồi - Đống Đa lẫy lừng năm 1789). 

Cuối tháng Giêng thắng trận trở về, bà con dân làng  liền tổ chức ăn tết lại để anh em tướng sĩ cùng đón xuân, gọi là tết Cùng. 

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch, nhân dân làng Song An lại tưng bừng làm bánh Hú để đón tết Cùng. Làm bánh Hú tưởng chừng như đơn giản nhưng để có món bánh Hú ngon, thơm lừng không phải ai làm cũng được.

Vào thời gian này trong năm cũng là lúc rau khúc mọc nhiều nhất, rau khúc có hai loại: rau khúc ông và rau khúc bà, nhưng làm rau khúc bà là ngon hơn cả. 

Chọn loại rau khúc bà nhỏ, non, vặt lấy hoa mang giã nhỏ, vắt bỏ nước rồi đem trộn với bột gạo tám thơm để làm vỏ bánh.

Bánh khúc thường có hình tròn, nhưng bánh Hú quê tôi có hình như bánh gối, nửa vầng trăng. Chúng tôi cũng thường nặn thành các hình các con vật ngộ nghĩnh như con cò, con voi... 

Nặn bánh Hú xong, mỗi chiếc bánh xinh xinh được gói hờ vào một tấm lá chuối tươi, xếp chồng lên nhau trong chõ, mỗi lượt bánh thêm một lượt gạo nếp. 

Khi hấp bánh, lá chuối sẽ khiến bánh Hú có một hương vị rất đặc trưng, rất dân dã thôn quê, mà bất kỳ người dân Song An nào dù có đi xa bao nhiêu năm cũng không quên được hương vị đặc trưng của bánh.

Hiện nay rất nhiều người làm bánh đã dùng các loại lá khác thay thế lá tầm khúc để tạo màu xanh cho bánh nên mới có bánh bán quanh năm, nhưng cũng vì thế vị và mùi thơm đều khác. 

Hoặc có thể do ở quê tôi, mỗi năm bánh Hú chỉ được làm và đặt lên bàn thờ gia tiên có một lần, nên phong vị dường như mới đặc biệt đến thế.