Dân Việt

Vụ tống tiền CSGT ở Vĩnh Phúc: Nhóm cảnh sát là bị hại không đến tòa

Gia Bình 22/03/2023 10:23 GMT+7
Được triệu tập với vai trò bị hại nhưng nhóm cảnh sát giao thông (CSGT) ở Vĩnh Phúc có đơn xin xét xử vắng mặt. Luật sư của bị cáo cho rằng họ cần đến làm chứng, nhưng chủ tọa xác định không cần thiết.

Sáng 22/3, TAND tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên tòa xét xử Bùi Văn Hà (SN 1982, ở Mê Linh, Hà Nội) về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo khoản 2, Điều 170 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 3 - 10 năm.

Các bị cáo còn lại gồm: Trịnh Xuân Tiến (SN 1990, ở Mê Linh), Nguyễn Văn Nam (SN 1991, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Nguyễn Khắc Được (SN 1990).

Phiên tòa được mở vừa qua, nhưng phải hoãn không rõ lý do. Lần này, luật sư bào chữa cho bị cáo Được đề nghị tiếp tục hoãn nhằm triệu tập nhóm cán bộ CSGT Vĩnh Phúc là bị hại trong vụ đến tòa để có thể làm chứng một số tình tiết.

Chủ tọa cho hay, những người này đều có đơn xin xét xử vắng mặt nên bác yêu cầu của luật sư, cho tiếp tục phiên tòa.

Vụ tống tiền CSGT ở Vĩnh Phúc: Nhóm cảnh sát là bị hại không đến tòa - Ảnh 1.

Nhóm người hầu tòa vì cưỡng đoạt tiền của CSGT Vĩnh Phúc.

Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng thể hiện, Hà quen các bị cáo còn lại thông qua nhóm Facebook "Giao thông Vĩnh Phúc" và "Luật giao thông". Anh ta giới thiệu biết nhiều CSGT ở Vĩnh Phúc nên Tiến, Nam đã gửi hình ảnh CSGT cho Hà "nhận mặt" rồi tống tiền.

Vụ thứ nhất, ngày 18/6/2022, Nguyễn Khắc Được chuyển qua Zalo cho Hà hình ảnh anh H (SN 1989), CSGT Công an TP.Phúc Yên đang làm việc và trên bàn có 4 tờ mệnh giá 500.000 đồng. Được nhờ, Hà yêu cầu anh H phải chuyển 100 triệu đồng để "xử lý".

Lo sợ, anh H đồng ý chi tiền nhưng cho rằng 100 triệu đồng là quá nhiều nên sau nhiều lần thương lượng, giá được giảm xuống 80 triệu đồng. Tuy nhiên, Hà báo lại với Được là vị CSGT chỉ đồng ý chi 60 triệu đồng.

Tối 27/6/2022, anh H đến nhà hàng Sông Quê ở TP.Phúc Yên đưa cho Hà 80 triệu đồng rồi ngồi uống bia. Lát sau, cơ quan công an ập vào, bắt quả tang. Bị can Nguyễn Khắc Được ban đầu bỏ trốn, nhưng ra đầu thú sau đó 2 tuần.

Phía điều tra xác định, hình ảnh anh H với 4 tờ 500.000 đồng trên bàn do anh Nguyễn Đức Chuyền (ở Hưng Yên) chụp lại ngày 15/6/2022. Anh Chuyền đi ngược chiều, bị giữ lại nhưng "tự ý đặt 4 tờ tiền" lên trên bàn làm việc rồi chụp ảnh.

Cán bộ CSGT tên H sau đó "yêu cầu cất tiền" rồi chỉ nhắc nhở, cho anh Chuyền đi mà không lập biên bản. Người này sau đó chuyển hình ảnh cho bị can Được, nhưng không tham gia cưỡng đoạt nên không bị xử lý hình sự. CSGT tên H cũng được xác định không phạm tội "Nhận hối lộ".

Với nhóm bị can Tiến và Nam, cáo trạng thể hiện ngày 21/6/2022, Nam gắn camera bí mật loại giả cúc áo rồi phóng xe máy ra đường, cố tình không mang giấy phép lái xe, bảo hiểm dân sự và đội mũ không cài quai.

Nam bị tổ CSGT TP.Phúc Yên do cán bộ tên K làm tổ trưởng dừng xe, yêu cầu xuất trình giấy tờ. Anh ta không nói gì, lục ví rút 4 tờ tiền 500.000 đồng để lên bàn làm việc của anh K rồi đứng dậy lấy xe máy phóng đi.

Nam kể chuyện trên cho Tiến rồi thống nhất cùng đe dọa, buộc nhóm CSGT vừa "bắt mình" phải đưa tiền. Tiến sau đó gửi hình ảnh có được cho bị cáo Hà, hẹn nếu thành công sẽ chia cho 2 triệu đồng.

Đến lượt mình, Hà gửi hình ảnh cho cán bộ K, yêu cầu đưa 80 triệu đồng nếu không sẽ đăng video có được lên mạng xã hội. Số tiền sau đó được giảm xuống 40 triệu đồng, anh K đã chuyển khoản.

Hà sau đó gọi cho Tiến nhưng nói chỉ lấy được 35 triệu đồng, trừ phần của mình rồi chuyển lại 33 triệu. Tiến thông báo số tiền này cho Nam và cũng tự trừ 2 triệu đồng phần mình, nói sẽ đưa 31 triệu đồng còn lại.

Khi biết Hà bị bắt ngày 27/2/2022 trong vụ việc liên quan bị cáo Được, Tiến và Nam ra đầu thú sau đó khoảng 1 tuần.

Quá trình điều tra, cán bộ CSGT tên K khai, sau khi để 2 triệu đồng lên bàn, bị cáo Nam "lợi dụng thời điểm tổ công tác bận xử lý nhiều người" và không có ai trông xe để "tự ý rời đi". Khi biết có tiền trên bàn, anh K đã báo cáo lãnh đạo rồi cùng đại diện UBND TP.Phúc Yên lập biên bản. Do vậy, vị CSGT này không bị xử lý hình sự.