Dự và chỉ đạo khóa đào tạo có Tiến sĩ Chu Văn Chuông, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NNPTNT, cố vấn cao cấp của dự án; ông Nguyễn Hồng Hưng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng - Trưởng Ban Quản lý dự án xử lý rác thải Hội Nông dân Thành phố Hải Phòng.
Tham gia khoá đào tạo này có 30 học viên là các đồng chí thành viên Ban Quản lý dự án xử lý rác thải Hội Nông dân Thành phố; lãnh đạo Hội Nông dân 3 huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Kiến Thụy và các xã tham gia thực hiện dự án.
Khóa đào tạo đã được Tiến sĩ Phạm Thanh Hải - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng NNPTNT Bắc Bộ - Giảng viên cao cấp của dự án hướng dẫn, tập huấn 2 kỹ thuật nuôi sâu Canxi và nuôi trùn quế từ nguồn rác thải hữu cơ và chất thải của vật nuôi.
Theo đó, kỹ thuật nuôi trùn quế rất hiệu quả với nguồn chất thải hữu cơ, phụ phẩm cây trồng và nguồn phân động vật. Kỹ thuật nuôi sâu Canxi giúp xử lý tốt nguồn chất thải tại các bếp ăn, lò mổ và nguồn chất thải chăn nuôi giúp giảm thiểu ô nhiễm mùi hôi, đồng thời tạo ra sâu Can xi có giá trị dinh dưỡng cao là thức ăn rất tốt cung cấp cho vật nuôi.
Đây là 2 kỹ thuật đã được các chuyên gia nước ngoài, các giảng viên dự án nghiên cứu rất kỹ xây dựng quy trình nuôi tỷ mỉ các bước và được đánh giá rất hiệu quả đối với sử lý nguồn rác thải hữu cơ, phụ phẩm của các bếp ăn, lò mổ và chất thải của vật nuôi hiện nay.
Dự án nhằm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình "biến rác thải thành của cải", giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn chất thải hữu cơ là nguyên liệu quý trong trồng trọt, chăn nuôi. Các học viên sau khi tham gia khóa học đã cam kết sau khóa học áp dụng những kiến thức bổ ích của khóa học và xây dựng mô hình thực nghiệm 2 kỹ thuật được học.
Ông Nguyễn Hồng Hưng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đề nghị các học viên tham gia lớp đào tạo giảng viên nguồn TOT( khóa 2) thực hiện đúng cam kết: Mỗi xã sẽ xây dựng 2 mô hình đối với 2 kỹ thuật đã học. Trên cơ sở kết quả mô hình thực nghiệm sẽ tiếp tục là những giảng viên TOT tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho các hội viên nông dân khác thực hiện thành công kỹ thuật nuôi sâu can xi và trùn quế giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đem lại lợi ích kinh tế cho hội viên nông dân.