Một thời gian dài, nhiều người dùng xung điện đánh bắt thủy hải sản theo kiểu tận diệt, làm cho tôm cá ngày càng cạn kiệt. Gần đây cá, tôm xuất hiện nhiều trở lại khi vấn nạn trên được ngăn chặn. Cá mùa lụt với nguồn thức ăn dồi dào nên cá béo, nướng chảy mỡ, xương mềm.
Trên cánh đồng Tân Thọ (xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), nước bạc tràn về cao hơn đầu gối.
Ông Võ Mười chuẩn bị lưới, lờ, rồi vác sõng ra cánh đồng trước nhà, lúc này nước dâng lên ngang bụng, bắt đầu thả lưới. Theo kinh nghiệm của ông, thả lưới mùa nước bạc phải gắn chì nhiều để lưới đè lúa chét nằm sát đáy.
Người dân xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đứng nhá bắt cá trên đồng nước bạc. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Thả tay lưới xong trong khi chờ cá dính vào, ông Mười bơi sõng lại chỗ bờ ruộng cao nơi có bầy vịt cỏ đang hụp lặn rúc những con ốc, con tép gần bờ nhìn ra. Canh nửa tiếng đồng hồ sau, ông Mười thăm lưới và gỡ cá mỏi tay.
Theo ông Mười, sau 10 năm cánh đồng này mới có lại cá trôi. Loại cá này sống ở đầu nguồn sông Kỳ Lộ, mùa nước bạc chúng theo dòng nước xuống đây đẻ rồi quay về nguồn. Trước đây vào mùa lụt, người dân thường thả lưới bắt cá trôi, thời gian qua vắng bóng, năm nay mới có trở lại.
Gần đó có mấy người đi thăm lờ/lưới gập, họ thả từ lúc con nước còn ngang đầu gối. Khi mỗi chiếc lờ được cất lên khỏi mặt nước, cá sặc, cá nhét và cá rô phi mắc bên trong giãy đành đạch, rồ rồ, nghe êm tai.
Ông Nguyễn Văn Bình đang trút cá ra khỏi lờ nói: Cá rô phi chiên xù là ngon nhất. Còn cá sặc, cá nhét kho lá gừng. Trong các cách kho cá đồng thì kho lá gừng không tanh, kho nhỏ lửa chờ thấm gia vị, ăn là ghiền. Ở nhà quê mùa mưa lụt mà trong bếp không có món cá đồng kho lá gừng là mất đi một phần hương vị của cuộc sống.
Trong khi chờ cá dính lưới, ông Kiên cột sõng vào bụi cây rồi về ngồi trước hàng ba uống nước trà. Nhà ông Kiên ngửa mặt ra cánh đồng. Ngồi trong mái hiên, nhìn mưa lộp độp trên những tàu lá chuối non, ông Kiên kể chuyện bắt cá.
Năm nay, nước lụt tràn vào đồng, mực nước này đến tối lớn dần, có nơi ngập tới lưng quần, có nơi trên ngực người lớn…
Ở đây người dân sử dụng phương tiện duy nhất là sõng câu để thả lưới, đặt lờ bắt cá, lươn, ếch… Ngày trước, người ta bơi sõng thì mang theo 3 tấm lưới. Lưới 1 dít, loại này thả bắt được cá rô hột mít, cá trắng chỉ.
Lưới 2 nhặt, bắt được con cá lúi, cá ngựa to bằng 3 ngón tay. Còn lưới 3 rảng thì bắt cá to bằng bàn tay người lớn. Nhưng phải biết loại lưới nào thả chỗ nước cạn hay nước sâu, đồng thời phải chọn hướng cá đi.
Những năm gần đây lưới 3 màng, lờ gập ra đời, chỉ cần một tấm lưới, lờ gập bắt được nhiều cỡ cá. Chỉ cần một chiếc sõng và vài tay lưới, mỗi người kiếm vài ba ký cá, lươn, ếch trong một đêm là chuyện bình thường. Còn đặt lờ thì mang theo mồi trùn, cua, ốc để dẫn dụ lươn, ếch.
Bơi sõng câu ra đồng Bàu Vườn (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), ông Phan Văn Tấn, thăm tay lưới gỡ cả ký cá lúi đuôi đỏ. Loại cá này, đầu, mình đều giống cá lúi ở sông, chỉ khác là đuôi màu đỏ.
Ông Tấn cho biết, cá lúi đuôi đỏ chỉ mới xuất hiện lại vài năm nay. Xương cá này hơi cứng nhưng kho rục hoặc bằm vò viên thì khỏi chê. Nếu cá lớn thì lóc thịt bằm rồi chiên dầu nấu chua với lá giang, nấu ngọt hoặc dầm nước mắm ớt tỏi chấm rau.
“Những năm gần đây vào mùa mưa lụt, ruộng đồng nhiều cá trở lại. Cá lúi đuôi đỏ dính đỏ lưới, còn cá trôi cũng hồi sinh. Đợt lụt trước có người thả lờ bắt cá trê lai, có con gần 2kg, rọng trong lu 3 ngày chưa lật bụng”, ông Tấn nói.
Cũng theo ông Tấn, trước đây, khắp các con sông, ao, bàu… đâu đâu cũng thấy người ta dùng xung điện châm cá. Tầm sát thương của xung điện khiến cá ở cách xa cả mét tê liệt bỏ chạy hoặc chết chìm, chết nổi. Những con chết chìm xuống bùn không bắt được, lãng phí. Còn những con sống sót thì sau này không có khả năng sinh sản.
Ông Tấn cho hay: Khoảng 3 năm trở lại đây, người ta không châm điện nữa, đến mùa lũ thả lưới mới bắt được con cá rô đồng, cá trắng.
Mùa mưa lụt, cá sông, cá đồng xương mềm, thịt chắc ăn rất ngon. Lý giải điều này, ông Võ Văn Lai ở xã An Định, huyện Tuy An đang đứng nhá trên cánh đồng gần nhà, cho rằng mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về, cá sông xuôi theo dòng nước về ruộng đồng đẻ trứng, quãng đường đi 5-7 cây số.
Còn cá ở đồng thì chạy rông, như cá rô ức nước róc lên bờ. Cá vận động nhiều nên xương mềm, có nguồn thức ăn dồi dào nên béo. Còn mùa nắng cá ở trong ao tù, ngoài sông thì quanh quẩn trong vực nên xương cứng.
Nói về nghề nhá, ông Lai cho biết bây giờ những người đi đứng nhá ban đêm sử dụng đèn pin, loại pin sạc. Còn trước đây đèn pin khan hiếm nên họ cầm theo đèn lon, được làm thủ công từ lon sữa bò, đốt bằng dầu lửa.
Có những đêm trời mưa dai dẳng, đèn dầu tắt, nước ngấm vào bên trong ướt bã người nhưng nếu nhá trúng cá thì dù có mưa lớn đến đâu cũng không ai muốn về.
“Theo nghề này có khi còn phải chạy lụt. Có ngày mưa to, nước từ đầu nguồn đổ về mạnh, mới thấy ngập mắt cá chân, loay hoay một chập đã lên đến đầu gối. Không kịp rã nhá, tôi hối hả vác nguyên cả chà, cả gọng băng qua cánh đồng về nhà giữa dòng nước lũ”, ông Lai nói.
Cách nơi ông Lai đứng nhá không xa, rải rác những người câu quất ngồi trên các ụ nhỏ, bờ ruộng, bờ bàu. Anh Trần Văn Tiên, cũng ở xã An Định, đang buông cần câu, vui vẻ chia sẻ: “Cứ nước xuống bàu là đi câu.
Cần câu quất dùng 3 lưỡi, ngồi một lát cá ăn mồi quất lên, một hai tiếng là xách nặng tay. Trước đây, đi câu về tay không, giữa đường gặp người quen, chọc quê rằng ở nhà má mày bắc nồi nước, chờ đem cá về nấu chua. Còn nay thì, cá đã về đồng trở lại”.
Trời chiều còn rả rích mưa, anh Tiên nói vui: “Cơn mưa này khó chịu vì mưa bay bay không say là dở”. Rồi anh thu cần câu, mang cá về. “Trước kia người dân vùng này chưa biết nấu lẩu, cá đồng chỉ nấu chua. Hồi đó đi xa nhớ nồi canh chua nấu với lá giang hoặc lá me.
Giờ mỗi lần lai rai với món cá nước ngọt nấu lẩu hay kho lạt, lăn bột chiên giòn đều ngon. Muốn ăn cá sông, cá đồng thì mùa nước bạc ăn mới đã thèm, rồi uống vài ly rượu nghĩa, rượu tình cùng bàn chuyện đồng áng, vụ mùa thì không gì bằng”, ông Tiên tâm sự.