Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, việc hàng loạt ông lớn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam lần này thể hiện cái nhìn nghiêm túc của họ vào thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đang dịch chuyển và chuỗi sản xuất đang được thiết kế lại.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, khác với trước đây khi Mỹ chủ yếu thông qua kênh đầu tư thứ 2 của mình tại Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore để đầu tư ở Việt Nam, thì nay với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, doanh nghiệp Mỹ đang có những bước đi mạnh mẽ hơn, thể hiện quyết tâm lớn trong chính sách hướng Đông của mình.
Thưa Phó Chủ tịch VAFIE, gần 50 doanh nghiệp Mỹ là các tập đoàn lớn sang Việt Nam lần này hẳn là mang theo những kỳ vọng hợp tác mới. Dưới tư cách của nhà quan sát về đầu tư nước ngoài, ông có đánh giá gì về sự kiện đáng chú ý này?
- Chúng tôi nhìn nhận sự việc này ở hai vấn đề: bình thường và triển vọng. Bình thường ở chỗ là doanh nghiệp Mỹ đang đi tìm kiếm cơ hội và Việt Nam là một trong những nơi họ tìm đến, tất nhiên là chúng ta là nước khát vọng vốn, chúng ta vui mừng vì điều đó.
Triển vọng là mối quan hệ đầu tư, thương mại và niềm tin Việt - Mỹ ngày càng lớn hơn. Thời gian họ là tiền của, họ quan tâm và sang Việt Nam là điều tốt đẹp, thể hiện sự coi trọng, tầm vóc của Việt Nam trong mắt họ.
Với phía Mỹ, họ muốn Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của họ ở châu Á - Thái Bình Dương, chính sách ảnh hưởng của Mỹ dành cho các nước mà họ muốn lôi kéo sự ảnh hưởng.
Đối với doanh nghiệp Mỹ, sang Việt Nam lần này nhằm mục đích cuối cùng là kinh tế. Bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, dòng vốn không được đầy tư sang các dư địa mới và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đang khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ phải quay trở về chính quốc làm ăn hoặc đi kiếm vùng đất mới để được hưởng nhiều ưu đãi hơn.
Mỹ cũng muốn chuyển dịch đầu tư ra ngoài Trung Quốc, sang các nước châu Á - Thái Bình Dương nhằm đa dạng hoá sản xuất, chuỗi cung ứng. Việt Nam là quốc gia thân thiện, hoà hợp với các nước khác nên rõ ràng tín hiệu Việt Nam muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy của các nước đã và đang được nhiều nước quan tâm, ủng hộ.
Quá trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cảm nhận rõ ràng Việt Nam đã và đang trở thành đối tác, sự lựa chọn không thể thiếu được của các nước.
Thực tế, có rất nhiều kỳ vọng từ chuyến thăm của các doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam vừa qua. Tuy nhiên, để những chuyến "thăm nhà" có hiệu quả thực chất như vậy, rõ ràng Việt Nam cần phải làm nhiều việc, khắc phục nhiều điểm yếu của nền kinh tế để khiến doanh nghiệp Mỹ không thể không đầu tư?
- Một lý do rất hiện hữu cho đầu tư của các nước là thuế tối thiểu toàn cầu. Từ năm 2022, Mỹ đã áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% cho doanh nghiệp đầu tư của họ khi đầu tư ra các nước khác mà họ nhận được nhận ưu đãi lớn hoặc các thiên đường thuế. Điều kiện là doanh thu của doanh nghiệp này hằng năm là 750 triệu EURO (tương đương 800 triệu USD). Điều này khiến doanh nghiệp Mỹ hoặc có vốn đầu tư của Mỹ thay đổi chính sách đầu tư ra nước ngoài.
Hiện nay, Mỹ không phải là quốc gia đi đầu tư trực tiếp mà hầu hết thông qua góp vốn, doanh nghiệp thứ 2, thứ 3 tại Singapore, Hồng Kông, Đài Loan để tận dụng các sắc thuế rẻ và có đội ngũ am hiểu thị trường hơn. Chính vì chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, các thiên đường thuế sẽ không còn nữa, việc tranh thủ đẩy vốn vào đối tác thứ 2, thứ 3 để đem tiền về chính quốc không còn có lợi như trước đây.
Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ quyết tâm "ra mặt" đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn. Đây là cơ hội của cả doanh nghiệp Mỹ cũng như là cả Việt Nam để đón bắt nguồn vốn đầu tư này.
Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay rất cao, đứng trong top 5 quốc gia xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, về đầu tư, Mỹ không phải là nước đầu tư lớn ở Việt Nam. Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì để đón bắt dòng chảy vốn, xu hướng này?
Trước hết Chính phủ Việt Nam cần thiện chí, cam kết đối với doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt đây lại là các doanh nghiệp lớn, "đại bàng" thực thụ của kinh tế Mỹ. Trước đây, chúng ta có công cụ thuế, các nước xu hướng "chạy đua xuống đáy" ưu đãi thuế để kêu gọi, trải thảm đón doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, với bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu Mỹ áp dụng năm 2022 và EU, Nhật, Hàn áp dụng từ năm 2024, rõ ràng những ưu đãi này sẽ không còn là lợi ích nữa.
Vậy, muốn thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, thực chất hơn, chúng ta cần có những đột phá về cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển, nguồn nhân lực và sở hữu trí tuệ.
Hành động "sang thăm" Việt Nam thể hiện thiện chí của các doanh nghiệp Mỹ, 'đánh tiếng" cho Việt Nam và cũng đúng xu hướng của Việt Nam khi chúng ta lập ra các tổ xúc tiến kêu gọi các đại bàng đầu tư vào Việt Nam. Đây chính là các đại bàng.
Vấn đề là chúng ta tận dụng như thế nào bởi không chỉ có Việt Nam mong muốn thu hút các đại bàng của Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Philippines… có nhiều lợi thế và tiềm lực hơn Việt Nam.
Với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, các cuộc "chạy đua xuống đáy" về ưu đãi thuế cho FDI lớn của các nước nhận đầu tư, trong đó có VIệt Nam sẽ vô tác dụng. Vì vậy, chiến lược thu hút "đại bàng", "cá mập" hay "sếu đầu đàn" cần thực chất, hiệu quả và cụ thể hơn, theo ông đó là gì?
- Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu mà Mỹ đang áp dụng, năm 2024 là EU, Hàn, Nhật và có thể cả Việt Nam cũng áp dụng vừa có khó khăn nhưng cũng thuận lợi cho Việt Nam. Sân chơi này, tham gia vào sớm, càng có lợi cho Việt Nam.
Tổ chức các nước hợp tác và phát triển OECD đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực của chính sách này. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả thực chất của thu hút FDI, các nước nhận đầu tư cần phải cải thiện thực chất về cơ sở hạ tàng, chính sách phát triển…
Các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu đề có xu hướng đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là ưu điểm cho nền kinh tế Việt Nam, cho người dân Việt Nam và là xu hướng của thế giới. Hiện, Việt Nam được đánh giá là nước có cơ sở hạ tầng công nghệ khá tốt, dân số trẻ và linh hoạt hơn với các hoạt động thương mại trên nền tảng kinh tế số.
Chính sách phát triển nguồn nhân lực hiện nay phụ thuộc lớn vào đào tạo lao động tay nghề (lao động kỹ thuật) và thứ hai là kỹ sư công nghệ. Một đất nước không thể tiến vào công nghệ, công nghiệp 4.0 mà không có đầy đủ đội ngũ lao động kỹ thuật lành nghề, những người sẽ và giữ được quyền điều khiển máy móc, thiết bị công nghệ cao.
Thứ 2 là lao động trình độ cao là các kỹ sư, người sáng chế phần mềm, ứng dụng. Việt Nam là một trong những nước có nhân lực trẻ và khát vọng của thế hệ trẻ đối với công nghệ rất lớn. Chính vì vậy, chúng ta rất cần xây dựng chiến lược để đào tạo, thu hút người trẻ theo đuổi công nghệ, phát triển chính sách cho đổi mới, sáng tạo và để biến công nghệ trở thành chìa khoá, dư địa phát triển.
Với Việt Nam, lợi thế của nước đi sau và nước mở cửa đang được coi là cơ hội cho các nhà đầu tư biết tận dụng và khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức từ cơ sở hạ tàng, thủ tục hành chính và đặc biệt là ý thức bảo vệ sở hữu trí tuệ để có thể trở thành nơi vốn Mỹ đầu tư lớn, theo ông Việt Nam cần khắc phục điểm yếu cố hữu trên ra sao?
- Hiện nay, vốn thực chất từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam khá khiêm tốn, trong đó có Intel còn hầu hết là công ty liên quan, vendor cấp 1, 2 của Mỹ. Với vốn Mỹ, phải ý thức là kéo được một dự án tỷ USD là sẽ kéo được nhiều tỷ USD ở các nước khác vào Việt Nam, bởi họ là những đại bàng, nhà nhà đầu tư quyết định sân chơi đầu tư và thương mại, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thế giới.
Đối với Việt Nam hiện nay, về thủ tục, vẫn còn hành chính rườm rà và cần thay đổi nhanh. Thuế - Hải quan đã được điện tử hoá, rồi áp dụng chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử đồng bộ thì mới đáp ứng được điều kiện tối thiểu cho doanh nghiệp đầu tư chứ chưa nói đến doanh nghiệp Mỹ - xuất phát từ nền kinh tế thị trường tự do.
Với doanh nghiệp Mỹ, họ sẽ không vào nếu như thủ tục rườm rà, tham nhũng hay ăn chia… Họ tôn trọng tính thị trường và tính hiệu quả trong đầu tư nguồn vốn và đây cũng là cách thức vận hành của nền kinh tế lớn hiện nay.
Đặc biệt, thế giới phương Tây, nơi luôn đề cao tính cá nhân hoá, bản quyền sáng tác. Chính vì vậy, Việt Nam cần có chính sách và áp dụng chính sách sở hữu trí tuệ ở mức triệt để về sản phẩm về công nghệ mới có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ đặt niềm tin mở các trung tâm nghiên cứu, địa điểm sáng chế các sản phẩm, bằng phát minh hoặc đặt nhà máy lớn tại đây.
Lợi thế 100 triệu dân của Việt Nam không hẳn lớn so với Trung Quốc, EU, Mỹ hay các nước khác; khả năng thu nhập và chi trả của người Việt đối với các sản phẩm công nghệ cao không quá chênh lệch so với các quốc gia khác nên việc kỳ vọng kéo các doanh nghiệp Mỹ sản xuất và bán tại đây là không nhiều. Cái quan trọng nhất của Việt Nam là độ mở nền kinh tế và vị trí trung tâm của nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, điều này giúp Việt Nam có nhiều hơn cơ hội so với các quốc gia khác khi tiếp cận với vốn Mỹ.
Trân trọng cảm ơn ông!