Cục An toàn thực phẩm cho biết, đơn vị hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định đối với một số nhãn hàng vi phạm. Trong đó có thể kể đến sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vida Nano; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cà Gai Leo Giải Độc Gan MB vì vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, quảng cáo công dụng như thuốc chữa bệnh.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vida Nano trên nền tảng các mạng xã hội, internet bởi nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thiệt hại về kinh tế.
Vấn đề là đây không phải là lần đầu tiên những khuyến cáo được Cục An toàn thực phẩm đưa ra liên quan đến các sản phẩm quảng cáo sai sự thật. Số nhãn hàng mắc phải các lỗi vi phạm như thổi phồng tác dụng, gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh đang ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy dường như các chế tài xử phạt hiện nay còn chưa đủ sức răn đe. Khảo sát của phóng viên cho thấy các loại thực phẩm chức năng đang lưu hành hiện nay có mức giá khá đắt đỏ. Ví dụ như Vida Nano có giá 650 ngàn đồng/hộp 60 viên, Cà Gai Leo Giải Độc Gan MB khoảng 200 ngàn đồng/hộp 60g. Do đó, để thu về lợi nhuận, doanh nghiệp sẵn sàng bị xử phạt hành chính và tiếp tục thực hiện các hình thức quảng bá tâng bốc, thổi phồng tác dụng của sản phẩm.
Chính vì sự bất chấp của các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn, đưa người tiêu dùng vào "ma trận". Không ít người dùng khi chia sẻ câu chuyện về sử dụng thực phẩm chức năng đều cho rằng, xã hội càng phát triển thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng cao. Thế nhưng người tiêu dùng chưa chắc đã có đủ kiến thức để hiểu rõ được sản phẩm đó là gì, thành phần ra sao.. Đôi khi chính giá của sản phẩm lại trở thành thước đo chất lượng. Mặt khác, người tiêu dùng cũng chỉ hiểu đơn thuần rằng sản phẩm khi lưu hành đều đã được cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, chỉ đến khi có cảnh báo thì mới "ngã ngửa" với sản phẩm mình từng tin tưởng.
Theo đại diện Cục An toàn Thực phẩm, pháp luật hiện hành đã quy định rõ thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi quảng cáo phải được thẩm định nội dung, chỉ quảng cáo đúng nội dung đã được cơ quan chuyên môn thẩm định. Quy định này là bởi thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hàng hóa đặc biệt có tác động tới sức khỏe. Tuy nhiên trên các nền tảng internet, mạng xã hội, việc vi phạm, quảng cáo thổi phồng, trái quy định vẫn thường xảy ra.
Theo Cục An toàn thực phẩm, quy định tại khoản 4, Điều 5 của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ chi tiết thi hành "Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc".
Văn bản của Cục An toàn thực phẩm nêu rõ, khoản 3 điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định cũng yêu cầu thực phẩm bảo vệ sức khỏe bắt buộc phải có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Như vậy, bất kỳ thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo như thuốc chữa bệnh là vi phạm quy định của pháp luật.
Chế tài xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo (trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe) được quy định cụ thể về hành vi vi phạm, mức phạt tiền, hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định về hành vi, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Nhưng không chỉ có vậy, thị trường thực phẩm chăm sóc sức khỏe còn tồn tại những vấn đề phức tạp hơn. Như trong văn bản trả lời báo chí mới đây, Cục An toàn thực phẩm cho biết hiện nay trên thị trường còn tồn tại một số loại thực phẩm chức năng lưu hành mà chưa đáp ứng đủ điều kiện. Cụ thể là những sản phẩm đang được phân phối bởi Công ty TNHH SX & XNK Nguyên Hà – Phạm Gia.
Trong đó, đối với sản phẩm Bổ tỳ TACA Phạm Gia, Cục An toàn thực phẩm không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Hay như thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bột dạ dày Thanh vị tán, loại này dù đã được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tuy nhiên các giấy này đến nay đã hết hiệu lực.
Cần phải nói rõ, giá trị của việc xác nhận công bố an toàn thực phẩm là nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng xấu hoặc các vấn đề về sức khỏe. Trước khi sản phẩm được lưu hành, cơ quan quản lý nhà nước đã phải thẩm định hồ sơ rất cặn kẽ các thông tin liên quan đến sản phẩm, kiểm định chính xác về an toàn thực phẩm của mẫu sản phẩm. Các trường hợp tự ý lưu hành sản phẩm mà chưa được cấp giấy công bố sẽ bị xử phạt và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.
Từ những bất cập nêu trên, để giải quyết triệt để, cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, công khai việc thực thi và hậu kiểm. Song song, cần sự vào cuộc của các đơn vị quản lý thị trường nhằm kiên quyết thu hồi và dừng cấp phép có thời hạn doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm không đúng tiêu chuẩn đã công bố.