Trong bài phát biểu hôm 26/3, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - một lần nữa nhấn mạnh rằng 2023 sẽ là một năm đầy thử thách. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm về dưới 3% do đại dịch, xung đột ở Ukraine và các chính sách tiền tệ thắt chặt.
Ngay cả khi triển vọng năm 2024 được cải thiện, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ ở dưới mức trung bình lịch sử là 3,8% và triển vọng chung vẫn yếu.
IMF dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay là 2,9%.
Bà Georgieva cho biết sau sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách ở những nền kinh tế phát triển đã đưa ra phản ứng dứt khoát nhằm ngăn chặn rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Nhưng bà cảnh báo rằng vẫn cần cảnh giác.
"Do đó, chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến và đang đánh giá những tác động tiềm ẩn đối với triển vọng kinh tế và sự ổn định tài chính toàn cầu", lãnh đạo IMF khẳng định.
Bà Georgieva cho biết IMF đang đặc biệt chú ý tới các nước dễ bị tổn thương nhất - những quốc gia thu nhập thấp với mức nợ cao.
Chỉ trong vài tuần, 3 nhà băng của Mỹ đã sụp đổ. 2 trong số đó là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 và thứ 3 trong lịch sử nước này. Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - cũng được UBS Group mua lại với giá hơn 3 tỷ USD.
17 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung của Credit Suisse đã gần như bốc hơi hoàn toàn sau thương vụ gây chấn động toàn cầu. Các trái chủ của ngân hàng này đang chuẩn bị đâm đơn kiện.
Giá cổ phiếu của Deutsche Bank - nhà băng lớn nhất nước Đức - đã giảm 8,5% vào phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước. Nguyên nhân là đêm 23/3, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này đã tăng vọt do lo ngại về tình hình của ngành ngân hàng châu Âu.
Các cơ quan quản lý đã gấp rút vào cuộc. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ đưa ra những biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố hệ thống ngân hàng và đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu rút tiền của khách hàng.
Trong đó, Fed nới lỏng các điều khoản về quyền tiếp cận cửa sổ chiết khấu (discount window) của ngân hàng. Đây là công cụ cho vay của ngân hàng trung ương nhằm giúp ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn.
Tính đến cuối tuần trước, các ngân hàng đã vay khoản tiền kỷ lục 152,85 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu trong vòng 7 ngày. Kỷ lục cũ là 111 tỷ USD, diễn ra trong khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 5,2% trong năm nay, mang lại hy vọng cho nền kinh tế thế giới. Đất nước 1,4 tỷ dân được dự báo chiếm 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023.
IMF ước tính rằng cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng 0,3 điểm phần trăm ở các nền kinh tế châu Á khác.
Bà Georgieva kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nâng cao năng suất và tái cân bằng nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào đầu tư và hướng tới tăng trưởng bền vững dựa trên nhu cầu, thông qua cải cách theo định hướng thị trường nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Nhờ những thay đổi này, bà Georgieva cho rằng GDP thực tế của Trung Quốc có thể tăng thêm 2,5% năm 2027 và khoảng 18% đến năm 2037.
Vị lãnh đạo IMF cho biết việc tái cân bằng nền kinh tế sẽ giúp Bắc Kinh đạt được những mục tiêu về khí hậu. Bởi tăng trưởng dựa trên nhu cầu có thể cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu và khí thải, cũng như làm giảm áp lực an ninh năng lượng.