Vò vẽ là loài ong cực kỳ nguy hiểm, nọc độc có thể gây chết người. Trong khi nhiều thanh niên trai tráng ít ai dám "đụng" đến loài ong này thì ở xứ rừng U Minh Hạ có một phụ nữ chọn nghề săn ong vò vẽ - nghề hằng ngày đối diện sự nguy hiểm đến tính mạng, để mưu sinh.
Người mà chúng tôi nhắc đến là chị Quách Kim Y (28 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau). Gia cảnh khó khăn, không đất sản xuất, chị Kim Y phải ở nhờ trên phần đất của người bác. Trong căn nhà nhỏ cạnh bờ kênh có 10 thành viên thuộc 3 thế hệ cùng chung sống.
"Mẹ tôi bệnh không làm nặng được, còn ba và anh trai hằng ngày đi giăng lưới bắt cá, thu nhập của gia đình khá bấp bênh, nên tôi phải tìm công việc phụ giúp", chị Kim Y kể.
Nhà nghèo, chị Kim Y nghỉ học từ năm lớp 9 để đi bán hàng thuê, giúp việc nhà. Năm 22 tuổi, chị lấy chồng về quê sống. Trong khi chồng chị là ngư phủ thu nhập cũng không ổn định. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, chị đi đặt bẫy chuột, giăng lưới..."Trong quá trình di chuyển đặt bẫy chuột, thấy có nhiều tổ ong mật, ong ruồi nên tôi chuyển qua lấy mật ong", chị Kim Y tâm sự.
Trong quá trình đi săn ong mật, chị lại phát hiện nhiều tổ ong vò vẽ, có những tổ rất to. Từ đây Kim Y trăn trở cách săn ong vò vẽ, bởi chị biết giá nhộng ong vò vẽ rất cao, từ 350.000 - 750.000 đồng/kg. Sau khi lên mạng tìm hiểu cách bắt ong vò vẽ, chị Kim Y mua bộ đồ bảo hộ giá 400.000 đồng để hành nghề. "Chỉ cần săn được vài tổ ong tôi đã lấy lại vốn. Nghĩ vậy nên tôi quyết định vào nghề mới là săn ong vò vẽ", chị Kim Y chia sẻ.
Đến nay, Kim Y đã theo nghề săn ong vò vẽ hơn 2 năm. Hằng ngày, cứ 4 giờ sáng, chị thức dậy đi vào rừng tìm ong. Dù là thân gái nhưng Kim Y cho biết mình không sợ, mong muốn lớn nhất là tìm được nhiều tổ ong.
Theo chị Kim Y, thông thường chị phải đi săn ong vò vẽ vào buổi sáng sớm, rồi tranh thủ thời gian đi giao nhộng ong cho khách, để giành thời gian ở nhà chơi với con.
Chia sẻ về kỹ thuật săn ong vò vẽ, chị Kim Y cho hay: "Nghề này phải tự mày mò chứ không ai chỉ ai. Sau thời gian theo nghề, hiện tôi đã có kinh nghiệm nhìn hướng gió để đoán nơi nào có tổ ong vò vẽ. Giống như ong mật, ong ruồi, muốn tìm tổ ong vò vẽ, khi đi vào rừng, mình chú ý quan sát nếu thấy vài con ong bay lòng vòng kiếm mồi thì theo hướng về của nó là tìm được tổ. Vào tháng mùa khô, phải đến khu vực có nước để quan sát ong lấy nước, từ đó đoán hướng tổ ong đang đóng", Kim Y chia sẻ.
Mỗi khi đi rừng săn ong, chị phải kiểm tra cẩn thận vì chỉ 1 vết rách trên đồ bảo hộ là ong có thể chui vào đốt. Ong vò vẽ đánh không bỏ kim nên chỉ một con chui vào cũng có thể đánh rất nhiều vết, nguy hiểm đến tính mạng.
Nói về quá trình tìm kiếm tổ ong võ vẽ, chị Kim Y kể: "Có lần, do bất cẩn, tôi không phát hiện tổ ong vò vẽ nên đạp phải. Ong túa ra, đốt đến ngất xỉu. May nhờ có người phát hiện, gọi điện cho gia đình hay đưa lên trạm xá cấp cứu kịp. Lần đó, tôi nghỉ dưỡng cả tháng và có suy nghĩ bỏ nghề săn ong vò vẽ vì nguy hiểm quá, trong khi mình còn con nhỏ. Nhưng sau đó, vì gánh nặng cơm áo nên tôi lại tiếp tục vào rừng săn ong".
Thấy nghề này có thu nhập khá, ngày càng có nhiều người săn ong vò vẽ nên hằng ngày chị phải đi vào những cánh rừng sâu, những nơi hoang sơ còn ít dấu chân người. "Tùy địa hình mà tôi đi bằng xe gắn máy hay xuồng. Có khi thấy ong vò vẽ bay thì tôi đeo theo suốt cả cây số, lặn lội trong rừng, nước ngập chân, lội bùn sình, trơn trợt", chị Kim Y bộc bạch.
Nghề săn ong vò vẽ có thể làm quanh năm, có khi 1 tháng chị Kim Y săn được trên 10 tổ. Ai chỉ ở đâu có tổ ong chị cũng đi, dù gần hay xa.
"Nghề đi lấy ong này cũng bấp bênh lắm. Một năm chỉ có tháng Giêng là nhộng ong bán được giá cao, được 750.000 đồng/kg, những tháng còn lại thì trên dưới 350.000 đồng/kg. Có khi mỗi chuyến được vài tổ, nhưng cũng có khi cũng về tay không", chị Kim Y cho biết.
Ngoài đi săn trong rừng, chị Kim Y cũng nhận lấy giúp những người có ong vò vẽ làm tổ trong nhà kho, trong vườn. "Mình có dụng cụ bắt ong nên bỏ công ra giúp bà con, để không gây nguy hiểm cho người khác", chị Kim Y nói.
Nói về ước mơ của mình, chị Kim Y bộc bạch: "Tôi cố gắng dành dụm tiền để thuê rừng gác kèo ong. Khi đó công việc ổn định, lo cho con đi học, tôi cũng đỡ vất vả hơn. Thu nhập hiện tại dù bấp bênh nhưng nhờ đó mà tôi phụ lo cho cha mẹ và nuôi con. Công việc này tuy vất vả nhưng được cái tôi thoải mái, không phụ thuộc ai, không đòi hỏi trình độ học vấn. Quan trọng nhất là tôi được ở gần gia đình, nên dù biết nguy hiểm tôi vẫn chấp nhận".
Chị Kim Y cũng cho biết, chị đang tập làm youtube hy vọng có thêm thu nhập. Ngoài ra khi vào mùa (khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) vẫn đi săn ong mật, ong ruồi để kiếm thêm thu nhập.
Nhìn bên ngoài dịu dàng nhưng chị Kim Y như đóa hoa rừng mạnh mẽ, không đầu hàng số phận, chấp nhận nguy hiểm với nghề săn ong vò vẽ để mưu sinh.