Đó là Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Nghị định quy định tinh giản biên chế; Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc xây dựng 3 dự thảo nghị định trên rất quan trọng. Bộ Nội vụ tập trung tham mưu cho các cấp có thẩm quyền chuẩn bị cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, yêu cầu đặt ra là phải chủ động xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh và điều kiện hiện nay đòi hỏi có một cơ chế đủ mạnh để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, đảm bảo số lượng, chất lượng cũng như yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Một vấn đề khác được Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, đó là trong lúc này, Đảng và Nhà nước đang tập trung cao cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Hiện nay, có một bộ phận cán bộ có tâm lý giữ an toàn, làm sợ sai. Tới đây, Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu Ngô Công Hầu cho rằng, dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là điều tốt, khuyến khích cho các cán bộ có năng lực làm tốt hơn công việc của mình.
Tuy nhiên, ông Hầu cũng bày tỏ băn khoăn rằng ai sẽ bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm? Cách nào để bảo vệ họ? Nếu trong trường hợp nhiệm kỳ này làm tốt một mô hình, đến nhiệm kỳ sau người kế nhiệm làm nhưng kết quả không tốt như nhiệm kỳ trước thì lúc đó thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có bỏ qua điểm này không?
Cùng chung băn khoăn, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang đề cập đến khía cạnh dám nghĩ, dám làm nhưng chưa dám triển khai, lúc triển khai đụng đến các vấn đề khác khó có thể thực hiện được.
Ông Trí nêu thực tế tại địa phương, nếu không có sự tính toán thì lực lượng công chức của tỉnh sẽ bị già đi, không còn người trẻ. Ngoài quy định về tinh giản biên chế, lãnh đạo tỉnh muốn xây dựng một đề án để tạo nguồn cán bộ mới dựa theo thực tiễn của tỉnh nhà. Ý tưởng của tỉnh này đưa ra là trong một tập thể, có thể có cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng số điểm của cá nhân đó được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí đánh giá hàng năm do tỉnh đưa ra có điểm thấp hơn người khác, khi đó lại bị đưa vào đối tượng điều chỉnh tinh giản biên chế.
"Tỉnh muốn có cơ chế, Bộ Nội vụ đã ủng hộ nhưng lên cấp cao hơn thì có ý kiến là cần phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật", ông Trí nói và cho rằng, điều này khiến các ý tưởng chỉ nằm trên giấy, khó thể thực hiện được.
Đề cập đến khía cạnh trách nhiệm của cán bộ trong việc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang Võ Tấn Hiền nhìn nhận các đề xuất, ý tưởng sáng tạo luôn có sự rủi ro thì cũng cần tính toán có nên xem xét trách nhiệm hay không.
"Ví dụ như miễn trách nhiệm dân sự, miễn trách nhiệm hành chính. Liệu chúng ta có thể vượt qua điều này và nghị định có điều chỉnh được hay không?", ông Hiền gợi mở và cho rằng đây là vấn đề mới, sẽ luôn có phát sinh từ thực tiễn nên cần bổ sung, sửa đổi.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, đây là nghị định khó và mới. Cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm có những điểm khó khăn.
"Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm, làm cho bằng được nhưng không cầu toàn", bà Trà nhấn mạnh và cho biết, từ các hoạt động thực tiễn sẽ chứng minh xem quy định, tiêu chí có phù hợp hay không, từ đó, hoàn thiện dần để nâng lên mức độ văn bản pháp quy tốt hơn, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám đột phá.