Clip: Đưa đồng bào vùng cao từng bước thoát nghèo.
Trong chuyến công tác lên Tây Bắc lần này, chúng tôi có dịp quay trở lại huyện Bắc Yên, một trong những huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La. Với trên 93% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Dao, Mường, Thái...
The đó, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, đời sống kinh tế - xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào các cây trồng ngắn ngày như ngô, sắn... trồng ở trên các triền đồi. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong huyện còn ở mức cao.
Những năm qua, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, cán bộ và người dân huyện Bắc Yên (Sơn La) đã huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng theo từng năm, diện mạo nông thôn khu vực miền núi có những thay đổi tích cực.
Gia đình bà Đinh Thị Tìm, bản Chanh, xã Song Pe, huyện Bắc Yên (Sơn La) vốn là hộ nghèo. Năm 2015 gia đình bà được nhà nước hỗ trợ 2 con bò giống. Sau vài năm chăm sóc, đàn bò của gia đình bà từng bước sinh sôi; đến nay bà Tìm đã có hơn 10 con bò; trong đó chủ yếu là bò nái.
Bà Tìm kể: "Trước kia, gia đình tôi nghèo lắm. Cả nhà chỉ có mấy nghìn m2 đất trồng sắn, thu nhập không được bao nhiêu, kiếm miếng ăn hàng ngày thật khó. Từ khi được nhà nước hỗ trợ bò giống, gia đình tôi đã đầu tư thêm để phát triển đàn bò. Bây giờ đàn bò nái của tôi đã có nhiều. Hàng năm, bò nái sinh sản ra, tôi bán được 3 đến 4 con bê giống, thu về gần 50 triệu đồng. Giờ gia đình đã có thu nhập ổn định, thoát được nghèo được nghèo rồi cán bộ ạ.".
Đến với xã Pắc Ngà - xã khó khăn nhất của huyện Bắc Yên. Giao thông cách trở, chủ yếu là đất đồi dốc và các khu bãi đá nên rất khó sản xuất. Nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ, trồng lúa nước…, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao.
Trước những khó khăn trên, từ các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, chính sách dân tộc, xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Pắc Ngà tập trung chỉ đạo khai thác ruộng bán ngập ven sông, cải tạo và mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở các bản Pắc Ngà, Tà Ỉu...
Sau 7 năm triển khai, người dân đã khai hoang được gần 40 ha ruộng bán ngập ở bản Tà Ỉu; chở đất từ bản Lừm Thượng về bản Pắc Ngà để về cải tạo 35 ha khu bãi đá thành ruộng sản xuất 2 vụ. Nhờ những cố gắng đó, người dân ở vùng khó khăn này từng bước vươn lên, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Chị Lò Thị Khun, bản Noong Cóc, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo của xã. Nguyên nhân đói nghèo cũng bởi không có đủ đất ruộng để cấy lúa. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cải tạo ruộng, đến nay, gia đình tôi đã có thêm diện tích ruộng, cấy được 2 vụ lúa, không lo thiếu thóc ăn nữa.
Hàng năm, gia đình tôi còn được hỗ trợ Nhà nước về giống lúa, về phân bón; được tập huấn kinh nghiệm thâm canh ruộng nước, cây trồng trên nương... Mình cứ chịu khó làm ăn, lại có Nhà nước hỗ trợ, có cán bộ cầm tay chỉ việc nên cáo đói, cái nghèo cũng sớm hết thôi.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cho biết: Huy động mọi nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, hiện nay, xã Pắc Ngà đã có trên 300ha cây ăn quả các loại; trong đó 50ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 400 tấn quả các loại/năm; sản phẩm chăn nuôi đã trở thành hàng hóa, với trên 33.600 con gia súc, gia cầm. Thu nhập bình quân tăng theo từng năm, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Cuộc sống người dân có nhiều bước chuyển, nên người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Để giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, huyện Bắc Yên không chỉ hỗ trợ cây trồng, vật nuôi mà địa phương này còn thực hiện tốt Chương trình xóa nhà tạm cho các gia đình hộ nghèo, hộ nhiều khó khăn. Với 300 hộ nghèo đang sinh sống trong các nhà tạm, nhà dột nát; vừa được huyện Bắc Yên (Sơn La) hỗ trợ cải tạo, xây mới nhà ở. Kết quả này đã đưa Bắc Yên trở thành một trong những huyện, thành phố của tỉnh Sơn La hoàn thành sớm công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025.
"Trước đây, gia đình tôi ở trong căn nhà tạm, chật hẹp. Ngày nắng thì đã khổ rồi, nhưng ngày mưa thì dột nước, còn khổ hơn nhiều. Vì thế, lúc nào chúng tôi cũng mơ ước có được ngôi nhà chắc chắn hơn. May mắn là vừa qua, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà, được các đoàn thể giúp đỡ thêm công sức, vật liệu, gia đình tôi đã hoàn thành ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và các ban ngành của tỉnh, của huyện", anh Mùa A Chồng, dân tộc Mông ở bản Suối Háo, xã Hồng Ngài (Bắc Yên) – một trong những hộ gia đình được trao nhà tài trợ đợt này, xúc động chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Là huyện đặc biệt khó khăn nên Bắc Yên luôn xác định công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, triển khai sâu rộng đến từng địa bàn; trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: Điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt, trạm xá, trường học, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Một trong những ưu tiên trong chính sách giảm nghèo của huyện đó là giúp người dân phát triển kinh tế. Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các đơn vị xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại; phát huy tiềm năng, thế mạnh từng địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhất là thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân.
Đồng thời, thông qua các chương trình dự án giảm nghèo như 30a, 135…, hỗ trợ cây trồng và vật nuôi cho người dân, như: Xoài, nhãn, táo sơn tra, bò giống,…Ngoài ra, tạo điều kiện cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất: Vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng NN&PTNT thông qua các tổ tiết kiệm, vay vốn.
Tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tổ chức tiêm các loại vaccine phòng bệnh, phun tiêu độc khử trùng đạt 100% so với chỉ tiêu giao. Cải tạo đàn bò, dê địa phương bằng phương pháp đổi đực giống, cung ứng giống bò lai sind để cải tạo đàn bò địa phương. Phấn đấu năm 2022, tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 373.000 con, trong đó: gia súc 79.500 con; gia cầm 293.500 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.750 tấn.
Đến nay, các xã vùng cao của huyện Bắc Yên đã đạt bình quân 12 tiêu chí/xã trong xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện; khoảng cách chênh lệch của các xã vùng cao so với các xã vùng thấp dần được thu hẹp. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện mỗi năm giảm 4,46%/năm, đạt và vượt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Chương trình giảm nghèo đề ra. Năm 2022, huyện Bắc Yên đã ra khỏi danh sách các huyện nghèo nhất cả nước.