Dân Việt

Đây là kiểu chăn nuôi không tốn tiền mua thức ăn, giúp thanh niên dân tộc thiểu số Lai Châu thoát nghèo

Tuấn Hùng 29/03/2023 13:08 GMT+7
Mở lớp đào tạo theo lối cầm tay chỉ việc, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi ong, Tổ chức Plan, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ nhiều xã của huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đang giúp thanh niên dân tộc thiểu số tăng thu nhập, thoát nghèo.

Dự án "Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số tại Lai Châu"

Nuôi ong lấy mật giúp thanh niên Lai Châu thoát nghèo

Thời gian qua, dự án "Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số tại Lai Châu" đã mở ra nhiều mô hình kinh tế mới giúp thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khó khăn của huyện biên giới Phong Thổ được đào tạo, tập huấn về kỹ năng xanh, áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường trong trồng trọt và chăn nuôi.

Từ các mô hình kinh tế mới như nuôi ong, nuôi gà, trồng chuối, đậu tương… nhiều thanh niên nơi đây đã có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập và thoát nghèo.

Theo chân cán bộ hội LHPN xã Hoang Thèn, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi ong lấy mật do Tổ chức Plan hỗ trợ ở bản Sin Chải, xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ, Lai Châu). Tham gia dự án nuôi ong mật có 20 thành viên là đoàn viên thanh niên dân tộc Mông.

Nuôi ong lấy mật có áp dụng KHKT, thanh niên dân tộc thiểu số ở Phong Thổ của Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 2.

20 thành viên là đoàn viên thanh niên dân tộc Mông ở bản Sin Chải, xã Hoang Thèn, Phong Thổ, Lai Châu tham gia mô hình nuôi ong lấy mật, nhờ đó có thu nhập ổn định, thoát nghèo. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ với Dân Việt điện tử, anh Sùng A Pàng, bản Sin Chải, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, Lai Châu hồ hởi cho biết: Chúng tôi tham gia dự án từ tháng 9/2022, trước khi bắt tay vào nuôi ong chúng tôi được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và cách thu hoạch theo quy trình.

Quá trình nuôi ong, chúng tôi tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc theo đúng sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn nên chỉ sau một tháng đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, có thu nhập ổn định nên ai cũng phấn khởi.

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ong, anh Pàng cho biết: Tham gia dự án nuôi ong lấy mật, ngoài được hướng dẫn cách chăm sóc và khai thác được hỗ trợ thêm máy móc, nhờ đó các thành viên có thêm tự tin, đầu tư nhiều thời gian và công sức để phát triển mô hình.

Nuôi ong lấy mật có áp dụng KHKT, thanh niên dân tộc thiểu số ở Phong Thổ của Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 3.

Mục tiêu là trao quyền kinh tế cho thanh niên, dự án đã góp phần tạo việc làm từ các mô hình kinh tế mới qua đó góp phần quan trọng vào công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa phương. Ảnh Tuấn Hùng

Bên cạnh đó, khi tham gia dự án nuôi ong, nhóm thanh niên cũng được hỗ trợ quần áo bảo hộ, dụng cụ tiên tiến để thu hoạch và được hỗ trợ máy lọc, máy đóng sản phẩm tại chỗ. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi ong không chỉ giảm được công sức mà còn đảm bảo chất lượng, giá thành cao hơn.

Nuôi ong thu nhập ổn định

Mô hình nuôi ong lấy mật đã tạo hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của bản Sin Chải, mô hình được đánh giá là khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Chia sẻ về mô hình nuôi ong của mình, anh Sùng A Páo, bản Sin Chải cho biết: Bản Sin Chải có khí hậu ôn hoà, mát mẻ, nơi đây có nhiều loài hoa tự nhiên nên việc nuôi ong lấy mật rất thuận lợi.

Từ sự đồng hành của các tổ chức, các phòng ban chuyên môn, tôi tự tin trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và thu hoạch mật. Tuy mô hình mới được triển khai nhưng thu nhập khá ổn định, tôi tin là cuộc sống của gia đình tôi sẽ bớt khó khăn hơn trước.

Nuôi ong lấy mật có áp dụng KHKT, thanh niên dân tộc thiểu số ở Phong Thổ của Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 4.

Tham gia mô hình nuôi ong lấy mật, các thành viên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, được hỗ trợ máy móc phục vụ việc thu hoạch, các thành viên đã tự tin hơn, đầu tư công sức vào chăm sóc nhờ đó tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. Ảnh Tuấn Hùng

Việc áp dụng khoa học vào chăm sóc, thu hoạch đã cho chất lượng sản phẩm mật ong của nhóm thanh niên ở Sin Chải cao hơn hẳn so với mật ong trên thị trường. Hiện một chai 300ml các thành viên đang bán ra với giá 150 – 200 nghìn đồng, cao gấp gần 3 lần so với nhiều loại mật ong trên thị trường. Được biết, sản phẩm mật ong của nhóm thanh niên bản Sin Chải đã được công nhận sản phẩm OCOP của huyện Phong Thổ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Chang Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Đồng hành giúp thanh niên khởi nghiệp thành công và để dự án triển khai đem lại hiệu quả, xã đã tích cực phối hợp với Tổ chức Plan và các cơ quan chuyên môn mở thêm các lớp huấn kiến thức, kỹ năng hoạch toán kinh tế hộ, nghiên cứu thị trường.

Trong quá trình thực hiện các mô hình, chúng tôi đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong công tác khảo sát, thiết kế, kiểm tra và giám sát, nhờ đó các mô hình bước đầu cho thấy có hiệu quả thiết thực, giúp bà con nâng cao thu nhập, công tác giảm nghèo trên địa bàn nhờ đó có những bước tiến mới.

Nuôi ong lấy mật có áp dụng KHKT, thanh niên dân tộc thiểu số ở Phong Thổ của Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 5.

Thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Phong Thổ, Lai Châu đã và đang được tham gia các lớp bồi dưỡng, các hội thảo về các mô hình kinh tế mới, qua đó nâng cao hiểu biết, có thêm kỹ năng trong phát triển kinh tế, góp phần chung vào mục tiêu xoá đói, giảm nghèo của địa phương. Ảnh Tuấn Hùng

Mặc dù mới triển khai nhưng cho đến nay dự án nuôi ong mật ở bản Sin Chải đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, giúp các thành viên có thêm thu nhập, thoát nghèo.

Đặc biệt, dự án giúp các thành viên đã có kinh nghiệm tự nhân rộng mô hình để bà con nhân dân trong bản học tập và làm theo hoặc liên kết cùng nhóm phát triển mô hình nuôi ong.