Năm 1836, vua Minh Mạng chia các phi tần làm 9 bậc gọi là "cửu giai", cao hơn cả "cửu giai" là Hoàng Quý phi và Hoàng hậu. Tuy nhiên, vua Minh Mạng chưa lập ai làm Hoàng hậu. Ngôi vị ấy để trống để "đợi đức hiền" nhưng cho đến hết đời nhà vua cũng không tìm thấy ai đủ đức để ngồi vào vị trí ấy.
Theo sử sách ghi chép lại thì vua Minh Mạng không lập Hoàng hậu là do không tìm được người như ý muốn. Ông không đưa ra ý chỉ nào truyền lại các đời sau không được lập Hoàng hậu.
Vua Thiệu Trị ở ngôi 7 năm cũng theo vua cha phải thấy người đủ đức mới lập Hoàng hậu. Đến cuối đời định lập Quý phi Phạm Thị Hằng làm Hoàng hậu nhưng không kịp.
Các vua sau này cũng không lập Hoàng hậu vì không dám chắc những phi tần này có đức hạnh cao hơn để xứng đáng được phong Hoàng hậu hay không.
Mãi tới đời vua Bảo Đại lệ này mới bị phá vỡ. Để cưới được Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ, vua Bảo Đại phải chấp nhận tất cả các yêu cầu như bỏ hết các phi tần để sống một vợ một chồng, sau đám cưới thì Nguyễn Hữu Thị Lan được phong làm Nam Phương hoàng hậu.
Nhà Nguyễn cũng không phong ai làm quan đầu triều, tức Tể tướng. Thời vua Gia Long, đất nước mới trải qua loạn lạc nội chiến kéo dài, dân chúng các vùng đều có văn hóa khác nhau. Để thuận tiện việc trị vì, vua cắt cử người đứng đầu các vùng gọi là Tổng trấn, như Bắc Thành, Gia Định, v.v.. Những Tổng trấn này có quyền hạn rất lớn, có quyền đề ra chính sách thi hành trong Trấn mà mình cai quản.
Đến thời vua Minh Mạng đã cho bãi bỏ Tổng trấn, chia làm 30 tỉnh trực thuộc Triều đình. Trong Triều cũng không có quan Tể tướng, đứng đầu Triều đình là 4 quan đại thần Cần chánh, Văn minh, Võ hiển, Đông các đại học sĩ, phụ tá cho Vua, như thế tránh tình trạng quyền hạn tập trung vào một người.
Nhà Nguyễn có hạn chế phong tước, giai đoạn đầu có 5 tước được ban là "Công – Hầu – Bá – Tử – Nam". Trong đó tước "Công" là danh giá nhất, chỉ có rất ít người có công lao lớn mới được phong. Theo lệ thì khi đủ 15 tuổi mới được xem xét phong tước. Nhưng nếu xét thấy học vấn và đức hạnh không đạt thì phải đợi thêm 5 năm nữa mới xem xét lại.
Thời vua Gia Long có nhiều đại thần được phong tước Quận công, do là Vua sáng lập Triều đại, nên có nhiều người giỏi theo phò tá lập nên Triều đại, góp công lao to lớn. Về sau thì rất hiếm người được phong tước Công.
Sau này cũng có việc phong tước Vương, chỉ là rất hiếm, như thời vua Hiệp Hòa có hai người giỏi thơ nổi tiếng được phong tước Vương, đó là Tùng Thiện vương Miên Thẩm và Tuy Lý vương Miên Trinh.
Mặc dù chú trọng khoa cử nhưng dưới thời nhà Nguyễn không có một trạng nguyên nào. Năm 1829 vua Minh Mạng quy định lại kỳ thi Đình, bộ Lễ dâng tấu trình lên rằng:
"… Phàm văn lý được mười phân thì xin cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên); chín phân thi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (bảng nhãn); tám phân thì đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (thám hoa); bảy phân, sáu phân thì lấy đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp); năm phân trở xuống thì đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ)".
Theo bản tấu được vua Minh Mạng phê chuẩn này thì Triều đình nhà Nguyễn vẫn lấy Trạng nguyên, nhưng không phải cứ đỗ đầu là Trạng nguyên mà con phải đạt được "văn lý mười phân". Mà các khoa thi của nhà Nguyễn dù có người đỗ đầu nhưng không được phong Trạng nguyên vì các quan chấm thi cho rằng không đạt được "văn lý mười phân".
Đến đời vua Thiệu Trị vẫn không có ai đỗ Trạng nguyên dù các khoa thi vẫn tổ chức đều đặn. Có người thắc mắc, vua Thiệu Trị đã nói rằng:
"Văn lý mà làm vẹn cả mười phân, thật không phải dễ. Đức Hoàng khảo ta (tức vua Minh Mạng) mở giáp khoa, ý để cầu người có học, nhưng về nhất giáp (trạng nguyên) vẫn còn để trống. Đó cũng là để đợi người có tài cao, lạ, chứ không phải câu nệ về mực thước đâu".