Tối qua 29/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh năm nay đánh dấu kỷ niệm mười năm Hoa Kỳ và Việt Nam ký thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác toàn diện song phương (2013 - 2023). Theo TTXVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ đã nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau. Hai nhà Lãnh đạo vui vẻ nhận lời và giao các cơ quan liên quan thu xếp vào thời gian phù hợp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: TTXVN.
Trong bài viết mang tựa đề "Tổng thống Biden nên mời Tổng Bí thư của Việt Nam tới thăm" đăng trên trang web của CSIS hôm 27/3, 2 ngày trước cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà nghiên cứu Murray Hiebert cho rằng năm nay là thời điểm lý tưởng để Tổng Bí thư Việt Nam thăm Mỹ.
Ngoài việc phân tích bối cảnh chiến lược trong khu vực, nhà nghiên cứu cho rằng giờ là thời điểm chín muồi cho chuyến thăm của một nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, xét đến mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước và nhiều lĩnh vực mà hai bên hợp tác.
Theo Hiebert, Việt Nam chưa có chuyến thăm song phương tới Hoa Kỳ kể từ khi cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm vào năm 2017. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Washington một lần trước đó vào năm 2015 khi Barack Obama làm tổng thống. Phó tổng thống khi đó là ông Biden đã tổ chức chiêu đãi người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bộ Ngoại giao trong chuyến đi đó, vì ngoại trưởng lúc đó là John Kerry bị mắc kẹt ở Pháp sau khi ông bị thương trong một vụ tai nạn xe đạp.
Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tuần trước, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: "Sau 10 năm thiết lập đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển sâu rộng, hiệu quả, thực chất trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
"2 nước duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, trao đổi đoàn các ngành các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao. Nếu theo dõi quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, chúng ta thấy trong tuyên bố chung và các cuộc tiếp xúc, 2 bên nhất quán tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau. Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng" - bà Hằng nói.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin thêm: Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng nổi bật với kim ngạch thương mại 2 chiều là 123 tỉ USD năm 2022, tăng gấp 4 lần so với 2013.
Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỉ USD, Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 8 của Hoa Kỳ.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 11,4 tỉ USD, xếp thứ 11 trong số các nước đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và vừa rồi có đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn đến thăm Việt Nam.
Không chỉ trong kinh tế thương mại đầu tư mà lĩnh vực khác như ứng phó với dịch Covid-19, phục hồi sau đại dịch, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường cũng có những tiến triển hết sức tích cực.
Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.
2 bên phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, LHQ, APEC, tiểu vùng Mekong trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu.
Đưa ra các thông tin trên khi trà lời câu hỏi của phóng viên về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Chúng tôi rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy quan hệ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, bền vững, thực chất, lâu dài, vì hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới".
Trong điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Biden tối qua, hai bên đã thảo luận tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng quan hệ song phương - thông tin từ Nhà Trắng cho biết. Còn theo TTXVN, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đề nghị giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.
Trong bài viết của mình, Murray Hiebert cho rằng khi nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, hai nước có thể cân nhắc đưa những trụ cột sau:
"Đầu tiên, họ có thể khám phá một thỏa thuận nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn đầu vào ổn định và đa dạng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Hai bên có thể khám phá việc bổ sung chuyển giao công nghệ và tạo thuận lợi cho thương mại công nghệ trong trụ cột này. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất khi các công ty nước ngoài như Apple tìm kiếm các nền tảng sản xuất thay thế trong bối cảnh căng thẳng gia tăng quan hệ Mỹ - Trung trong những năm gần đây.
Thứ hai, Việt Nam và Hoa Kỳ coi an ninh ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu…
Thứ ba, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, trọng tâm là bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn sông. Họ cũng có thể làm việc để giảm lượng khí thải, thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo và phát triển các kỹ thuật nông nghiệp thông minh.
Thứ tư, Hà Nội và Washington, vốn tổ chức nhiều cuộc đối thoại hàng năm về nhiều chủ đề, có thể xem xét kết hợp những cuộc đối thoại này thành một cuộc đối thoại chiến lược và quốc phòng cấp cao bao gồm hợp tác an ninh, quan hệ đầu tư và thương mại, nhân quyền và biến đổi khí hậu. Họ có thể khám phá thêm các vấn đề khó khăn về an ninh mạng và thực thi pháp luật mặc dù hai chính phủ có quan điểm khác nhau".