12.000 tỷ đồng đầu tư cho đề án trồng 1 triệu hecta lúa chất lượng cao
Theo dự thảo Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" đang được Bộ NNPTNT lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến sẽ có 12.000 tỷ đồng đầu tư vào đề án. Trong số đó, 3.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, 8.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác.
Vốn ngân sách nhà nước thực hiện đề án được lồng ghép trong các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương, với mục đích chính là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông; đào tạo và tập huấn cho hợp tác xã và thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia liên kết.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết khi tham gia vào đề án, nông dân sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa; được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ sản xuất (thời gian vay trong 6 tháng) trong thời gian tham gia liên kết.
Các hợp tác xã sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng; được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa, để phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất của hợp tác xã hoặc các cơ sở chế biến phụ phẩm lúa gạo.
Các doanh nghiệp sẽ được vay ngân hàng đủ vốn ngắn hạn cho tiêu thụ lúa từ vùng liên kết và đủ vốn dài hạn cho đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản xuất tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế và 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn cacbon thấp.
Theo ông Lê Thanh Tùng, năng suất lúa ở ĐBSCL hiện đạt khoảng 6,2 tấn/ha, đây là mức năng suất cao trên thế giới, khả năng gia tăng năng suất và sản lượng lúa của Việt Nam sẽ giảm dần do gần chạm ngưỡng năng suất và sản lượng.
Với 1 triệu ha lúa trong đề án là thực hiện đa mục tiêu, mục tiêu đầu tiên là phải thích ứng được với biến đổi khí hậu. Mục tiêu thứ hai là giảm phát thải khí nhà kính do canh tác lúa gây ra, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam. Tạo ra thu nhập cao hơn cho người trồng lúa.
Để thực hiện các mục tiêu này, việc canh tác lúa cần phải tuân thủ theo quy trình sản xuất tốt, như "1 phải, 5 giảm" (phải sử dụng giống lúa xác nhận, 5 giảm: Nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, thất thoát sau thu hoạch). Đây là những thách thức lớn đối với ngành hàng lúa gạo đặc biệt là lúa gạo ở ĐBSCL, do đó, cần có sự tham gia tích cực của người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp.
Diện tích đăng ký trồng 1 triệu hecta lúa chất lượng cao đã đạt 700.000ha
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ngành lúa gạo Việt Nam không ngừng phát triển với nhiều giống mới chất lượng cao, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến, thương mại.
Những thành quả đó có một phần hỗ trợ rất lớn của các tổ chức quốc tế và các tổ chức tín dụng trong nước cho người sản xuất và các doanh nghiệp vay đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng bày tỏ mong muốn có sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và tổ chức quốc tế để đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, các địa phương cũng đã đăng ký tham gia đề án với diện tích lên đến 700.000ha và chắc chắn sẽ còn mở rộng trong thời gian tới. Hiện, Bộ NNPTNT cũng đang chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí, trên cơ sở đó đưa ra cho các địa phương, địa phương nào đảm bảo đủ tiêu chí thì tham gia.
Ông Nguyễn Quang Hùng-Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Việt Nam (Agribank) cho rằng, giảm phát thải cacbon đã nằm trong chương trình ưu tiên của Chính phủ. Ngoài những định hướng về thị trường, giá bán tín chỉ cacbon, Bộ NNPTNT cần làm rõ hơn những cơ sở để đề xuất ưu tiên sử dụng các nguồn vốn khác nhau khi thực hiện các mục tiêu của đề án.
Cam kết cùng đồng hành và hỗ trợ đề án, ông Li Guo (Ngân hàng Thế giới) cho biết, Ngân hàng Thế giới có thể nhanh chóng cùng Bộ NNPTNT xác định chi tiết nhu cầu cơ sở hạ tầng của các tỉnh. Điều này phù hợp với cam kết của ngân hàng đến 2030 sẽ tăng cường hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Việt Nam. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ về các chuyên gia trong xây dựng tín chỉ cacbon.
Ngân hàng thế giới mong muốn phối hợp cùng Bộ NNPTNT và các nhà tài trợ thực hiện các dự án ở ĐBSCL - ông Li Guo cho hay.