Dân Việt

TP.HCM cần được trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn

Bạch Dương 30/03/2023 17:13 GMT+7
Tại tọa đàm, góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 diễn ra ngày 30/3, nhiều chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần có cơ chế, chính sách đột phá chứ không phải đặc thù.
Nghị quyết mới cho TP.HCM: TP.HCM cần được trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn - Ảnh 1.

Toạ đàm thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Ảnh: B.D

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có thuận lợi là được rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54 cũng như tiếp thu một số cơ chế đặc thù ở các tỉnh. Riêng với TP.HCM, nghị quyết mới không gọi là cơ chế thí điểm theo nghĩa đặc thù mà là cơ chế đột phá, tạo sự lan toả phát triển cho khu vực Đông Nam Bộ.

Dự thảo nghị quyết cần nhấn mạnh rõ vai trò của TP.HCM trong sự phát triển của cả nước cũng như trong tương lai. Đồng thời, phải nhìn nhận thực tế hiện nay là xu thế "đi xuống" của TP.HCM theo nhiều nghĩa, cả về kinh tế cũng như năng suất lao động. Theo ông, có nguyên nhân là do nhiều cơ chế, chính sách hiện nay không đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra cho TP.HCM. Do đó, nghị quyết mới cần giải quyết được những vấn đề này.

Khẳng định sự cần thiết của nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Trường chính sách công và quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, TP.HCM cần phải tập trung nghiên cứu, chuẩn bị kỹ để triển khai thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua.

Dẫn chứng nhiều mô hình phát triển của các quốc gia trên thế giới, vị chuyên gia này cho rằng, muốn TP.HCM trở thành trung tâm tài chính thì nên thử nghiệm mô hình "cơ chế thử nghiệm" như các nước Anh, Mỹ… đã triển khai. Nếu áp dụng mô hình này, có hai hướng để thử nghiệm gồm coi toàn bộ TP.HCM là một mô hình lớn hoặc thành lập một số cơ chế thử nghiệm theo từng nội dung như về tài chính, về chính quyền đô thị cho TP.Thủ Đức…

PGS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề rất lớn của quốc gia chứ không chỉ của TP.HCM đồng thời đặt câu hỏi: Tham vọng, kỳ vọng, cực phát triển của TP.HCM như thế nào? Có tạo được cơ chế vượt trội hơn cho TP hay không?

Theo ông Bình, trong tình hình hiện nay, các địa phương đang vươn lên rất mạnh không hề thua kém TP.HCM thì dự thảo nghị quyết mới có giải quyết được kỳ vọng và ước mơ, giải được bài toán "kẹt" của Nghị quyết 54 hay không, đã mang tư duy đột phá hay chưa?

TP.HCM là nơi tập trung nhiều người giỏi, là vốn rất quý của TP nhưng với cơ chế mới, nguồn lực này sẽ được phát triển như thế nào? Đồng thời ông Bình cũng đặt vấn đề cần có tư duy khác về chính quyền đô thị, về mô hình thành phố vệ tinh trong thành phố và cho rằng, cũng cần phải suy nghĩ đến mô hình đại đô thị, trong đó Chủ tịch UBND TP.HCM là người quyết định và chịu trách nhiệm.

Nghị quyết mới cho TP.HCM: TP.HCM cần được trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn - Ảnh 3.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Trường chính sách công và quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: B.D

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh, TP.HCM cần được trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn để tăng tính lãnh đạo, tính tự chủ thì nghị quyết mới đi vào hiện thực, nếu không sẽ lặp lại kết quả như Nghị quyết 54. Theo GS Hoài, khuôn khổ dự thảo nghị quyết mới bao trùm 2 lĩnh vực tài chính và đất đai nhưng TP.HCM hiện nay là siêu đô thi, dân nhiều hơn đất, đất là tài nguyên hữu hạn chứ không phải vô hạn. Vì thế, cần khai thác những yếu tố khác ngoài vốn và đất đai như địa chính trị, địa kinh tế.

Ông Hoài cho hay, mới đây, trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị có nêu "TP.HCM vì cả nước và cả nước vì TP.HCM". Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết mới này, có chỗ nói lên vai trò của TP.HCM với cả nước, nhưng chưa có chỗ để nói cả nước vì TP.HCM. Vì vậy, nghị quyết mới có thể mở rộng về phạm vi không gian địa lý. 

"Nghị quyết mới nên xin thí điểm cơ chế vượt trội thuộc về tiềm lực của TP.HCM và từ đó vượt trội vai trò động lực cho cả vùng", ông Hoài đề xuất.

Cũng nhấn mạnh đến liên kết vùng, các đại biểu cho rằng, các chính sách phát triển không chỉ phục vụ cho TP mà cho liên kết vùng. Các cơ chế vượt trội nếu được thì cũng áp dụng cho các dự án liên quan đến vùng Đông Nam Bộ, thậm chí kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ giải quyết rất nhiều các dự án liên kết vùng trong 3 năm tới.