Theo Nghị định 49, tất cả các thuê bao di động tại Việt Nam không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa 1 chiều sau ngày 31/3/2023. Theo quy định, các thuê bao di động của các nhà mạng đang hoạt động đều phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ giúp việc quản lý, giải quyết tận gốc SIM rác, không đúng thông tin quy định.
Các điểm giao dịch đều chật cứng khách. Video Khải Phạm.
Ghi nhận của Dân Việt sáng nay (31/3/2023), các điểm giao dịch của 3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam là Viettel, VinaPhone, Mobifone đều chật cứng khách hàng đến chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Ở điểm giao dịch của nhà mạng Mobifone trên đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội, khách xếp hàng dài để chờ giao dịch. Có mặt lúc 9h sáng, phóng viên được nhận số thứ tự 45 và dự kiến sẽ phải tới trưa cũng chưa đến lượt giao dịch.
"Tôi xếp hàng từ 8h sáng, nhưng cũng đã nhận số thứ từ 28 rồi nên cố chờ nốt để đăng ký thuê bao chính chủ chứ không sợ bị khóa. Nhà mạng nhắn tin rồi, nhưng hôm nay mới có thời gian đề ra hoàn chỉnh nốt thông tin", chú Nguyễn Thái An chia sẻ.
Tại một điểm giao dịch của VinaPhone trên đường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội, khách hàng chủ yếu là những người già đến chuẩn hóa thông tin. Đây là điểm giao dịch nhỏ nên dù lượng khách không quá lớn vẫn bị nghẽn mạng trong lúc giao dịch.
Cô Vi Phương Quế cho biết: "Tôi không biết cập nhật thông tin qua mạng nên mới phải ra tận đây, nhưng đang cập nhật thì chị nhân viên giao dịch bảo nghẽn mạng do nhiều người cùng truy cập quá nên phải ngồi chờ".
Hiện nay, số lượng lớn người già chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao do không biết cách thực hiện online qua ứng dụng hoặc website của các nhà mạng. Chính vì vậy, lượng khách hàng này phải đến trực tiếp các điểm giao dịch để chuẩn hóa thông tin.
Ở điểm giao dịch của nhà mạng Viettel trên đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, lượng khách hàng đến đông kín từ sáng sớm và chưa có dấu hiệu giảm.
"Khách hàng đến từ lúc cửa hàng chưa mở cửa và chờ xếp hàng để chuẩn hóa thông tin. Ở đây có cả người già, sinh viên và những người đang đi làm đều muốn chuẩn hóa trực tiếp.
Lường trước được tình hình nên chúng tôi được cử đến tăng cường, trợ giúp cửa hàng. Những khách hàng nào dùng điện thoại thông minh, chúng tôi đều sẽ thực hiện chuẩn hóa trên ứng dụng My Viettel để tránh mất thời gian cho khách hàng cũng như giao dịch viên chính. Chủ yếu là người già dùng điện thoại đen trắng thì buộc phải chuẩn hóa ở quầy, còn những ai dùng điện thoại thông minh đều chuẩn hóa khoảng 5 phút là xong", Nguyễn Ngân, giao dịch viên tăng cường chia sẻ.