Dân Việt

Giảm thuế, phí cho ô tô: Không thể "cào bằng chủ nghĩa"

Lê Vũ 31/03/2023 13:13 GMT+7
Không phải ngẫu nhiên mà hai lần trước đó, xe sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm phí trước bạ, còn xe nhập khẩu nguyên chiếc thì không. Điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách nhất quán của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng "đòi" được giảm phí trước bạ

Giảm thuế, phí cho ô tô: Không thể "cào bằng chủ nghĩa" - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi nhiều lần "lỗi hẹn" với ưu đãi lệ phí trước bạ.

Ngay sau thông tin các hiệp hội ngành nghề và địa phương đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA) cũng kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. 


Các công văn kiến nghị liên tiếp được gửi đi cho thấy sự lo lắng của các tổ chức, doanh nghiệp về khả năng suy giảm của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2023 sau năm 2022 với nhiều khởi sắc.

12 hãng xe thành viên của VIVA hiện gồm: Audi, Bentley, Ferrari, Jaguar & Land Rover, Maserati, Morgan & Brabus, Porsch, Subaru, Volkswagen và Volvo.


Lý do được phía VIVA đưa ra là các hãng xe thành viên đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Sau kết quả kinh doanh ấn tượng của năm 2022, nhiều hãng xe và đại lý ủy quyền mạnh dạn đầu tư, nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam với hi vọng tiếp nối đà tăng trưởng. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2023, cả nước nhập khẩu 44.457 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 612,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng 325% về lượng và 180,6% về giá trị kim ngạch. Như vậy, đa số xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam thuộc các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi giá rẻ, chủ yếu có xuất xứ từ hai thị trường lớn nhất là Thái Lan và Indonesia (chiếm 90% thị phần). Mặc dù không công bố kết quả kinh doanh nhưng có thể nhận thấy các hãng xe thành viên của VIVA với các sản phẩm xe cao cấp có doanh số khá khiêm tốn tại thị trường Việt.


Đặc biệt, tình hình kinh doanh ảm đạm hồi tháng 1 và kéo dài đến tháng 2 vừa qua khiến không ít doanh nghiệp phải "vỡ mộng". Người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng về tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống. Trong khi đó, hạn mức tín dụng dành cho ngành ô tô bị siết chặt, lãi suất cho vay của ngân hàng neo ở mức cao, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, còn người tiêu dùng không mặn mà với việc mua mặt hàng xa xỉ này. Đây là những lý do chính khiến doanh số ô tô nhập khẩu giảm mạnh, lượng hàng tồn kho ngày càng nhiều.


Trước đó, vào năm 2020 và 2021, Chính phủ đã hai lần chấp thuận giảm 50% phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong cả hai lần đó, thị trường đều phục hồi và sôi động trở lại. Doanh số ô tô tăng mạnh và giữ được đà tăng trưởng cho đến hết năm 2022. Ngược lại, đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc, mặc dù các doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không được áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ. Do đó, đại diện VIVA kiến nghị Chính phủ chấp thuận ưu đãi lệ phí trước bạ cho cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu để đảm bảo sự công bằng.


Giảm thuế, phí cho ô tô: Không thể "cào bằng chủ nghĩa" - Ảnh 2.

Khó tìm "mẫu số chung" cho xe CKD và CBU. Ảnh minh hoạ: Internet.

Không thể "cào bằng chủ nghĩa"

Theo quy định hiện hành, để đến tay người tiêu dùng, thông thường, một chiếc ô tô (trừ ô tô điện) phải "chồng" đủ các loại thuế, phí bao gồm: thuế nhập khẩu (30-80% tùy thị trường), thuế tiêu thụ đặc biệt (40-150% tùy thuộc dung tích xi lanh), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế thu nhập doanh nghiệp (22%). Đây là các khoản chi phí mà phần lớn doanh nghiệp phải chịu. Tiếp đến, để lăn bánh trên đường, người mua xe phải trả thêm các chi phí như: phí trước bạ (10-12%), phí đăng ký biển số, phí đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và phí đăng kiểm. Theo đó, các khoản thuế, phí có thể được xem xét ưu đãi, hỗ trợ bao gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ.


Thứ nhất, đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, thuế nhập khẩu tại thị trường Đông Nam Á (đối với các quốc gia đạt điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa) là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Như vậy, đa số các mẫu xe sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia khi xuất khẩu sang Việt Nam đều được ưu đãi thuế 0%. Trong khi đó, đa số các mẫu xe của các hãng thành viên VIVA có nguồn gốc từ khu vực khác như Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang phải chịu mức thuế nhập khẩu từ 56% -74%. Tuy nhiên, khi tham gia Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA), mức thuế nhập khẩu các dòng xe xuất xứ từ EU sẽ giảm dần về 0 từ nay đến năm 2030.


Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước từng nhiều lần đề xuất Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và được chấp thuận. Cụ thể, trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2022/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết ngày 20/11/2022. Điều này ít nhiều đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền, cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất. Tuy nhiên, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc cũng không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế TTĐB.


Thứ ba, đối với đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ, tuy không giúp giảm giá bán xe, nhưng sẽ giúp người mua giảm chi phí lăn bánh, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là chính sách gây nên nhiều tranh cãi. Trong vài năm trở lại đây, nhiều hãng xe nhập cho rằng có sự thiếu công bằng khi các doanh nghiệp chỉ cần nhập linh kiện về Việt Nam lắp ráp là được giảm 50% lệ phí trước bạ, còn doanh nghiệp nhập xe nguyên chiếc thì lại không được hưởng ưu đãi tương tự. 


Mức lệ phí trước bạ đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi sau khi giảm còn 5% (6% đối với khu vực Hà Nội) được tính theo tỷ lệ phần trăm giá niêm yết. Ví dụ: đối với một chiếc sedan hạng B giá 500 triệu đồng, người mua xe được giảm tối đa 30 triệu đồng khi làm thủ tục tại cơ quan thuế. Trong khi đó, một chiếc xe sang nhập khẩu giá 5 tỷ đồng, nếu cũng được ưu đãi lệ phí trước bạ, người mua xe có thể giảm đến 300 triệu đồng tiền lệ phí.


Theo các chuyên gia, lượng xe sang nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam vốn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng xe nhập khẩu nói chung (khoảng 10%). Nếu áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ, không chỉ có các hãng xe thành viên của VIVA, mà toàn bộ xe nhập khẩu giá rẻ từ thị trường Thái Lan, Indonesia cũng sẽ được hưởng lợi. Cần biết rằng, xe nhập khẩu từ Thái Lan hay Indonesia vốn đã được hưởng ưu đãi 0% thuế nhập khẩu từ trước đó. Điều này có thể sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng về giá và đe dọa cả ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.


Một số ý kiến khác cho rằng, không thể lấy lý do nhập hàng quá nhiều, vì khó khăn chung mà yêu cầu "giải cứu". Bản thân các doanh nghiệp phải tự cân đối, áp dụng chiến lược kinh doanh phù hợp với đặc thù của từng thị trường, từng giai đoạn nhất định. Đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc, thay vì áp dụng chính sách trợ giá, Chính phủ có thể xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp.

Giảm thuế, phí cho ô tô: Không thể "cào bằng chủ nghĩa" - Ảnh 4.

Việt Nam ưu tiên nguồn lực phát triển ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Chiến lược quốc gia về ưu tiên phát triển ngành ô tô nội địa

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.


Đến năm 2035, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải bảo đảm hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội cũng như các yêu cầu về môi trường và xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, đáp ứng đa số nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu ô tô.


Rõ ràng, trong chiến lược Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp ô tô, Chính phủ ưu tiên các nguồn lực, chính sách ưu đãi dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Điều này giúp ngành ô tô phát triển thực chất, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp Việt và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong nước. Đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vẫn được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, phù hợp với pháp luật Việt Nam và các hiệp định thương mại toàn cầu, song không có chủ trương "cào bằng".


Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng áp dụng nhiều chính sách đặc thù để bảo vệ lợi ích cốt lõi của ngành ô tô và người tiêu dùng trong nước. Tại Mỹ, Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Tổng thống Joe Biden thời gian đầu cũng vấp phải phản ứng của một số hãng xe lớn trên thế giới, nhưng cho đến nay đã dần đi vào ổn định. Các nhà sản xuất nước ngoài muốn được trợ giá ô tô điện buộc phải có nhà máy ở Bắc Mỹ, giá bán trong ngưỡng quy định và phải sở hữu ít nhất 40% vật liệu có nguồn gốc từ Mỹ hoặc từ các đối tác làm ăn với Mỹ. 


Tại Thổ Nhĩ Kỳ, để chống lại sự bành trướng thị phần của các nhà sản xuất xe điện nước ngoài, chính phủ nước này ra quyết định tăng thuế nhập khẩu thêm 40% đối với ô tô điện từ Trung Quốc. Đây là một phần trong kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của các nhà sản xuất ô tô điện nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là thương hiệu Togg của chính quyền Tổng thống Erdogan.