Phình động mạch là sự giãn bất thường của động mạch gây ra bởi sự suy yếu của thành động mạch (tăng hơn 50% đường kính so với đoạn bình thường), chủ yếu do các nguyên nhân như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn mô liên kết di truyền hoặc mắc phải (hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos).
Phình động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào, phổ biến nhất là phình động mạch chủ bụng và ngực. Phình động mạch chủ là một sát thủ thầm lặng và thường không có triệu chứng, triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi bệnh có những biến chứng như tắc mạch, bóc tách động mạch, vỡ phình mạch…
Vỡ phình động mạch chủ là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng, tỷ lệ tử vong sau khi mổ hoặc can thiệp cấp cứu ghi nhận lên đến 80%. Vì vậy, bên cạnh điều trị nội khoa các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, nhiễm trùng…, khối phình động mạch chủ cần được theo dõi sát và mổ hoặc can thiệp ở thời điểm thích hợp nhằm ngăn ngừa biến chứng vỡ phình nguy hiểm.
Với kỹ thuật can thiệp đặt stent graft, các bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống thông vào mạch máu qua lỗ nhỏ ở vùng bẹn hoặc tay lên tới vị trí khối phình và đặt cố định trong lòng động mạch. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn nên làm giảm tỷ lệ tử vong, các biến chứng thấp hơn so với phẫu thuật mở. Phương pháp này làm giảm thời gian nằm viện và hồi sức, giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm tình trạng mất máu cho người bệnh.
Tuy nhiên, có tới 30 - 40% các trường hợp bệnh động mạch chủ có giải phẫu không thuận lợi khi làm can thiệp stent graft động mạch chủ kinh điển. Ngày 31/3, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tổ chức hội thảo chuyên đề về điều trị bệnh lý động mạch chủ bằng can thiệp stent graft nội mạch, đặc biệt trên những trường hợp có đặc điểm giải phẫu không thuận lợi, cập nhật những thông tin mới nhất về các kỹ thuật mới trong can thiệp stent graft.
Các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện đa khoa Singapore đã chia sẻ các trường hợp phức tạp trong can thiệp phình động mạch chủ, kinh nghiệm can thiệp stent graft, khâu nội mạch trong điều trị phình động mạch chủ…
Các bác sĩ cho biết, những biểu hiện của bệnh lý động mạch chủ thường mơ hồ, diễn tiến âm thầm, triệu chứng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa khác, khiến người bệnh dễ dàng bỏ qua. Phần lớn người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng bệnh đã tiến triển nặng, hoặc trong tình trạng đe dọa tính mạng. Việc thực hiện tầm soát chủ động giúp phát hiện, chẩn đoán bệnh từ giai đoạn sớm, có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị, giúp tiết kiệm về chi phí, tăng hiệu quả điều trị và phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng.