Liên quan đến nội dung này, Luật sư Trần Thị Hiền, Phó trưởng Văn phòng luật Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết:
Việc công an thông báo chiếc xe của bạn là tang vật bị trộm nên việc công an yêu cầu bạn hoàn trả là có căn cứ.
Bởi theo quy định tại Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021, chiếc xe máy này là chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết vụ án hình sự. Và theo Điều 88 Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án.
Khi đó, việc xử lý vật chứng này sẽ tuân theo quy định tại Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, cụ thể: vật chứng do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Và trong quá trình điều tra, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án thì trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu ban đầu (người bị mất xe).
Còn đối với người mua lại chiếc xe từ hiệu cầm đồ, trong trường hợp giao dịch mua bán chiếc xe giữa bạn và chủ hiệu đồ là ngay tình (mua bán có đầy đủ giấy tờ và thực hiện đúng thủ tục theo quy định của pháp luật), bạn có thể làm đơn đề nghị tham gia vụ án hình sự với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kèm yêu cầu độc lập: yêu cầu chủ hiệu cầm đồ hoàn trả số tiền đã mua xe.
Cũng phải nói rằng xe máy là tài sản chỉ được mua bán khi có giấy tờ đăng ký xe nhưng nhiều trường hợp chủ tiệm cầm đồ, hay người mua xe mặc dù biết xe không có đầy đủ giấy tờ nhưng vẫn nhận cầm cố hoặc mua xe. Theo đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cả chủ tiệm cầm đồ, người mua có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.