Các lớp tập huấn được triển khai trên địa bàn huyện Hoà Vang, với sự tham gia của 150 học viên là hội viên nông dân thuộc 5 xã Hoà Tiến, Hoà Khương, Hoà Châu, Hoà Sơn và Hoà Liên.
Tham gia lớp tập huấn, bà con nông dân được các giảng viên hướng dẫn cách phân loại rác thải hữu cơ, các kỹ thuật chuyển đổi chất thải hữu cơ từ thực phẩm thừa và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, nhằm bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho người dân.
Hội viên nông dân được truyền đạt các kiến thức về kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày và kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng.
Tại lớp tập huấn, các học viên tích cực trao đổi, tham gia thực hành để hiểu và nắm vững các kiến thức để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Nông dân nắm được các giá trị tái sinh của rơm khô, vỏ trấu, lá mục, cỏ dại, mùn cưa, bã mía….
Từ đó, khai thác tối ưu lợi ích của phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tăng tính ứng dụng của phương pháp sản xuất hữu cơ an toàn, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác trên đồng ruộng, gây cản trở và làm mất an toàn giao thông. Qua đó giúp không khí trong lành hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Kết thúc lớp tập huấn, các học viên rất phấn khởi khi nhận biết được sự hữu ích từ các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ, đồng thời cam kết sẽ áp dụng các kỹ thuật đã được học vào mô hình chăn nuôi gà đệm lót sinh học, ủ phân hữu cơ và làm thức ăn chăn nuôi của gia đình.
Sự thành công từ các mô hình xử lý rác thải hữu cơ của người nông dân, sẽ là điểm sáng trong nhân rộng ứng dụng các biện pháp chuyển đổi chất thải hữu cơ từ thực phẩm thừa và trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.