Dân Việt

Vị hoàng đế nào của Trung Quốc bị xử tử với hơn 1.000 nhát dao?

Hồng Nhung (theo Sohhu) 01/04/2023 17:32 GMT+7
Lăng trì xử tử (xẻo từng miếng thịt cho chết dần trong đau đớn) là hình phạt nặng nề nhất dành cho những người trọng tội xưa. Vậy mà trong lịch sử Trung Quốc có một vị vua phải chịu đựng hình phạt này, khi mới 16 tuổi.

Hồng Thiên Quý Phúc sinh năm 1849, là con trai cả của thiên vương Hồng Tú Toàn (Hồng Tú Toàn cho rằng chỉ Thượng đế mới có thể xưng đế, còn mình là con thứ của Thượng đế, em ruột của chúa Jesu, nên xưng là thiên vương - theo Đào Đoản Phòng, “Thiên quốc này chẳng có thái bình”), người sáng lập Thái Bình Thiên Quốc.

Hồng Thiên Quý Phúc là người con mà Hồng Tú Toàn đặt nhiều hi vọng nhất. Theo giai thoại kể lại, lúc Hồng Thiên Quý Phúc sinh ra, có vạn con chim bay đến triều đình, sớm dự báo đây sẽ là vị thiên vương của Thái Bình Thiên Quốc sau này. Điều này cho thấy Hồng Tú Toàn đặt nhiều kỳ vọng và ngay cái tên của thiên vương tương lai của Thái Bình Thiên Quốc cũng đã nói lên điều này. (Theo Wenshigu).

Vị hoàng đế nào của Trung Quốc bị xử tử với hơn 1.000 nhát dao? - Ảnh 1.

Khi Hồng Thiên Quý Phúc 7 tuổi (tức 1856), sự biến Thiên Kinh nổ ra (ảnh minh họa).

Khi Hồng Thiên Quý Phúc 6 tuổi, Hồng Tú Toàn đã tìm cho con một người thầy kèm cặp. Người này chẳng phải ai khác, mà chính là nữ anh hùng Hồng Thiên Kiều.

Hồng Tú Toàn vô cùng chú trọng đến việc kèm cặp dạy dỗ Hồng Thiên Quý Phúc. Vị thiên vương tương lai nhất nhất tuân theo quy định, không được tự do đi lại trong kinh thành, không được phép gặp mẹ của mình. Nhìn bề ngoài thì Hồng Thiên Quý Phúc là một “ông chủ nhỏ” trong cung điện, nhưng thực tế, không quá khi nói rằng như một “tù nhân” (Theo Wenshigu).

Trong môi trường này, Hồng Thiên Quý Phúc dần trở thành người không biết gì khác ngoài cung cấm.

Năm thứ 6 Thái Bình Thiên Quốc (tức năm Hàm Phong thứ 6 triều Thanh, 1856), khi Hồng Thiên Quý Phúc 7 tuổi, cuộc nội loạn trong thành Thiên Kinh nổ ra, triều đình Thái Bình Thiên Quốc tự tàn sát lẫn nhau, lịch sử thường gọi là sự biến Thiên Kinh.

Vấn đề phát sinh từ chính mối quan hệ giữa Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh (người nắm quyền thực sự cả về chính trị và quân sự) cùng một số lãnh tụ cao cấp khác của Thái Bình Thiên Quốc. Thành Thiên Kinh chìm trong biển máu.

Vị hoàng đế nào của Trung Quốc bị xử tử với hơn 1.000 nhát dao? - Ảnh 2.

Đại tướng quân Thạch Đạt Khai vì phẫn chí mà ra đi (ảnh minh họa)

Ngày 2 tháng 6 năm 1857, sau hơn nửa năm nắm quyền phụ chính, Tả quân chủ tướng Dực vương Thạch Đạt Khai vì phẫn chí mà ra đi, dẫn theo một lượng lớn binh lính tinh nhuệ, không về trợ thủ cho Thiên Kinh, làm cho tình hình Thái Bình Thiên Quốc càng diễn biến theo hướng xấu đi.

Sau khi bỏ đi, ông có để lại những lời lẽ đau xót rằng, ông tuy trung thành với Thái Bình Thiên Quốc, nhưng lại không nhận được sự tín nhiệm của Hồng Tú Toàn, trái lại còn bị nghi kỵ, nên đành rời bỏ Thiên Kinh, để tỏ lòng mình (Theo Đào Đoản Phòng, “Thiên quốc này chẳng có thái bình”).

Tuy có một số vị tướng tài ba “lâm nguy thụ mệnh” (chấp nhận nguy nan để làm nhiệm vụ) nhưng cuối cùng cũng không làm thay đổi được cục diện của Thái Bình Thiên Quốc vốn đã suy yếu, do nội bộ lục đục, tự tàn sát lẫn nhau. Thất bại dường như đã được bày sẵn.

Vị hoàng đế nào của Trung Quốc bị xử tử với hơn 1.000 nhát dao? - Ảnh 3.

Hồng Thiên Quý Phúc lên ngôi năm 16 tuổi, giữa lúc đất nước cực kỳ nguy nan (tranh minh họa)

Năm 1864, khi thế của Thái Bình Thiên Quốc tới đường cùng, Hồng Tú Toàn trong tuyệt vọng, đã lựa chọn tự sát. Hồng Thiên Quý Phúc khi đó mới 16 tuổi, vốn là đứa trẻ sống trong nhung lụa, kế vị vua cha, trong tình hình đất nước vô cùng gian nan.

Ngày 19 tháng 7 năm 1864 (năm Đồng Trị thứ 3 triều Thanh), Thiên Kinh (còn gọi là Nam Kinh), kinh đô của Thái Bình Thiên Quốc thất thủ.

Dưới sự hộ tống của Can vương Hồng Nhân Can, Hồng Thiên Quý Phúc qua được phía nam An Huy. Nhưng khi vào đến Thạch Thành, Giang Tây, hơn 1.000 vệ binh Thái Bình Thiên Quốc bị quân Thanh truy sát.

Vị hoàng đế nào của Trung Quốc bị xử tử với hơn 1.000 nhát dao? - Ảnh 4.

Kinh đô thất thủ, Hồng Thiên Quý Phúc được đưa đi trốn (tranh minh họa).

Hồng Thiên Quý Phúc cũng cố chạy thoát thân, trốn trong hang núi 4 ngày. Sau đó, vì đói quá nên ra ngoài tìm cái ăn. Đúng tháng 10, lúc người dân đang vào mùa thu hoạch.

Khi đó, người dân nơi đây có thói quen thuê người gặt lúa, gọi là “hương khách”. Hồng Thiên Quý Phúc nhờ người cạo trọc đầu, cải trang thành người hành hương đi gặt lúa thuê. Nhưng vị vua trẻ nhanh chóng bị quân Thanh đang truy lùng phát hiện. Ngày 25 tháng 10, Hồng Thiên Quý Phúc bị bắt.

Ngay sau đó, Hồng Thiên Quý Phúc bị áp giải đến Giang Tây. Khi trả lời thẩm vấn tại nha môn của Tuần phủ Giang Tây, vị vua trẻ tuổi đổ hết lỗi cho vua cha và các tướng lĩnh Hồng Nhân Can, Lý Tú Thành, còn mình thì vô can.

Vị hoàng đế nào của Trung Quốc bị xử tử với hơn 1.000 nhát dao? - Ảnh 5.

Hồng Thiên Quý Phúc bị quân Thanh bắt và áp giải đến Giang Tây (ảnh minh họa).

Hồng Thiên Phú Quý khai thêm rằng, sau khi đăng cơ, mọi việc đều do Can vương Hồng Nhân Can, Trung vương Lý Tú Thành điều khiển.

Ấu thiên vương cũng nhân cơ hội này, bày tỏ niềm hi vọng mãnh liệt rằng: “Vùng Quảng Đông không tốt, tôi cũng không muốn quay về. Tôi chỉ muốn cùng với Đường lão gia đến Hồ Nam, muốn đi học, để tương lai thi lấy tú tài”, rồi quỳ gối xin chính quyền Thanh khoan dung.

“Đường lão gia” mà Hồng Thiên Phú Quý nhắc đến ở trên là Đường Gia Đồng, người Hồ Nam, người đã phụng mệnh áp giải Hồng Thiên Quý Phúc về Nam Xương, Giang Tây. Hiển nhiên là trong quá trình áp giải, Đường Gia Đồng tỏ ra rất tốt với Hồng Thiên Quý Phúc, để cho Hồng Thiên Quý Phúc tin tưởng và cảm động. Hồng Thiên Quý Phúc chỉ là một cậu thiếu niên, còn ngây thơ nên dễ dàng tin tưởng Đường Gia Đồng, thậm chí còn coi Đường Gia Đồng là chỗ dựa, là “lão gia”.

Hồng Thiên Quý Phúc khom lưng uốn gối cầu xin, nhưng vẫn không đổi lại được sự sống mà vẫn phải nhận án tử hình, thậm chí còn là án tử hình nặng nhất - lăng trì.

Ngày 18 tháng 11 năm 1864, Hồng Thiên Quý Phúc bị quân Thanh đóng chặt vào xe bò bằng bốn chiếc đinh ở hai tay, hai chân, sau đó bị hành hạ với hơn 1.000 nhát dao, thi thể bị vứt bỏ nơi hoang dã (Theo Sohu).

Kết cục này đối với Ấu thiên vương quả là quá thê thảm, chưa từng có trong lịch sử đế vương của Trung Quốc, có thể nói là “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” (trước không có ai, sau cũng không ai như vậy).