ChatGPT đã bị cấm ở Ý vì những lo ngại về quyền riêng tư, theo một lệnh cấm mang tính bước ngoặt chống lại chatbot AI lớn, cơ quan quản lý quyền riêng tư của quốc gia này vừa công bố.
Cụ thể, Cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia (DPA) của Ý yêu cầu chặn quyền truy cập vào ChatGPT ngay lập tức và đang bắt đầu điều tra công ty tạo ra nó, OpenAI.
Họ nói thêm rằng hạn chế là tạm thời, cho đến khi công ty có thể tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu, được gọi là Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR).
Theo bản dịch của Insider về thông cáo báo chí tiếng Ý được công bố, DPA nói rằng không có cơ sở pháp lý nào để biện minh cho "việc thu thập và lưu trữ hàng loạt dữ liệu cá nhân" được sử dụng để đào tạo các thuật toán đằng sau ChatGPT. Cơ quan quản lý cũng cáo buộc rằng dữ liệu đó đã được xử lý không chính xác.
Chính quyền Ý cũng trích dẫn một vụ vi phạm dữ liệu vào ngày 20 tháng 3, trong đó một lỗi cho phép một số người dùng ChatGPT xem tiêu đề của các cuộc trò chuyện của người dùng khác. Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, đã gọi đó là một "vấn đề nghiêm trọng" trong một tweet hai ngày sau đó, anh ấy còn nói thêm: "Chúng tôi cảm thấy tồi tệ về điều này".
Và trong khi các điều khoản dịch vụ của ChatGPT cho rằng, nó nhắm đến những người từ 13 tuổi trở lên, cơ quan giám sát này chỉ ra rằng không có kiểm tra nào để đảm bảo điều này. Họ còn nói thêm rằng điều này "khiến trẻ vị thành niên nhận những câu trả lời hoàn toàn không phù hợp so với mức độ phát triển và nhận thức về bản thân của chúng".
Ngoài ra, cơ quan quản lý đã nêu lên mối lo ngại về tính chính xác của thông tin mà chatbot AI này cung cấp.
Lệnh cấm tạm thời này được đưa ra sau bức thư ngỏ giữa tuần qua - được ký bởi hơn 1.000 người bao gồm các chuyên gia AI, Elon Musk và người đồng sáng lập Apple Steve Wozniak - kêu gọi tạm dừng sáu tháng phát triển công nghệ nào nữa mạnh hơn GPT-4.
"Những tháng gần đây, các phòng thí nghiệm AI đã bị mắc kẹt trong một cuộc chạy đua ngoài tầm kiểm soát để phát triển và triển khai những trí tuệ kỹ thuật số mạnh mẽ hơn bao giờ hết mà không ai - kể cả những người tạo ra chúng - có thể hiểu, dự đoán hoặc kiểm soát một cách đáng tin cậy", bức thư nêu rõ.
OpenAI có 20 ngày để đưa ra các biện pháp mà họ đang thực hiện để xoa dịu những lo ngại của chính quyền hoặc đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 20 triệu euro (21,7 triệu USD), hoặc 4% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty.
Hiện tại, OpenAI đã bắt đầu khóa địa lý quyền truy cập vào chatbot AI chung của mình, ChatGPT, ở Ý. Động thái này tuân theo lệnh của Cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia (DPA) của Ý, khi yêu cầu họ phải ngừng xử lý dữ liệu của người dùng Ý cho dịch vụ ChatGPT.
00..OpenAI đã đưa ChatGPT vào chế độ ngoại tuyến ở Ý, sau khi Cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia (DPA) của Ý tạm thời cấm chatbot và đưa ra một cuộc điều tra về ứng dụng trí tuệ nhân tạo bị nghi ngờ vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư. Ảnh: @AFP.
Trong một tuyên bố xuất hiện trực tuyến dành cho người dùng có địa chỉ IP của Ý cố gắng truy cập ChatGPT, OpenAI viết rằng họ "rất tiếc" phải thông báo cho người dùng rằng họ đã vô hiệu hóa quyền truy cập của người dùng ở Ý theo "yêu cầu" của cơ quan bảo vệ dữ liệu.
Công ty cũng cho biết họ sẽ hoàn lại tiền cho tất cả người dùng ở Ý đã mua dịch vụ đăng ký ChatGPT Plus vào tháng trước — và cũng lưu ý rằng "tạm dừng" gia hạn đăng ký ở đó để người dùng không bị tính phí trong khi dịch vụ bị tạm ngưng.
OpenAI dường như đang áp dụng một phương thức khóa địa lý đơn giản vào thời điểm này — điều đó có nghĩa là việc sử dụng VPN để chuyển sang địa chỉ IP không phải của Ý sẽ cung cấp một giải pháp thay thế đơn giản. Mặc dù nếu tài khoản ChatGPT ban đầu được đăng ký ở Ý thì tài khoản đó có thể không truy cập được nữa, và người dùng muốn phá vỡ lệnh cấm có thể phải tạo tài khoản mới bằng địa chỉ IP không phải của Ý.
Ý, nơi đã tạm thời hạn chế việc ChatGPT sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng trong nước, đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên có hành động chống lại một chatbot được cung cấp bởi trí tuệ nhân tạo.
Chatbot cũng không khả dụng ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Iran và Nga và một số khu vực của Châu Phi- nơi cư dân không thể tạo tài khoản OpenAI.
Kể từ khi được phát hành vào năm ngoái, ChatGPT đã gây ra một cơn sốt công nghệ, khiến các đối thủ tung ra các sản phẩm tương tự và các công ty tích hợp nó hoặc các công nghệ tương tự vào các ứng dụng và sản phẩm của họ.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp ở một số quốc gia. Nhiều chuyên gia cho rằng cần có các quy định mới để quản lý AI vì tác động tiềm ẩn của nó đối với an ninh quốc gia, việc làm và giáo dục.
ChatGPT ước tính đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1/2023, chỉ hai tháng sau khi ra mắt, khiến nó trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, theo một nghiên cứu của UBS được công bố vào tháng trước.