Vì thế, theo Tổng thư ký VDCA, đó là những tiềm năng hứa hẹn nội dung số trở thành ngành công nghiệp tỉ đô.
Tuy vậy, ông Văn cũng phân tích về các rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp nội dung số, đặc biệt khi thực hiện mong muốn chinh phục thị trường toàn cầu. Trong đó, ông Văn nhắc đến rào cản điển hình chính sách thuế, rào cản về thể chế, về bản quyền và sở hữu trí tuệ.
“Mặc dù là quốc gia sáng tạo nhưng ý tưởng sáng tạo của chúng ta chưa thật sự đột phá, mà còn giản đơn, vẫn thường sao chép và copy ý tưởng, nhất là hoạt động sáng tạo ngày càng bị cạnh tranh bởi AI. Sức bền của doanh nghiệp nội dung số Việt Nam chưa cao, hầu hết chỉ nổi lên trong thời gian ngắn” – ông Vũ Kiêm Văn thẳng thắn.
Chỉ ra bức tranh chung, Tổng Thư ký VDCA cho rằng, nếu doanh nghiệp nội dung số được tháo gỡ những rào cản về thể chế và có thêm những nguồn lực thúc đẩy từ nhà nước như về đào tạo nhân lực, hỗ trợ thúc đẩy thị trường, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thì tiềm năng phát triển của nội dung số Việt Nam là rất lớn.
Trước các vướng mắc về cơ chế, đặc biệt là về thuế đối với hoạt động doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam cũng cho biết, với vai trò là nơi bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nội dung số, nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, Hội Truyền thông số Việt Nam đã tích cực kiến nghị đến Tổng cục Thuế và sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để gỡ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.
Nhắc đến thực tế các doanh nghiệp sản xuất nội dung Việt Nam có xu hướng ưu tiên phân phối nội dung trên các nền tảng nước ngoài mà hạn chế cung cấp trên các nền tảng Việt Nam - do bị hạn chế về giấy phép, ông Vũ Kiêm Văn đề xuất áp dụng phương pháp giám sát, hậu kiểm thay cho phương pháp tiền kiểm bằng hành lang, bằng giấy phép, làm hạn chế cơ hội của doanh nghiệp trên thị trường như hiện nay.
Sẽ có nhiều chương trình đồng hành với doanh nghiệp
Trước thực tế Việt Nam đã có những đại diện chứng minh được năng lực có thể sản xuất ra các sản phẩm top đầu thế giới như là Sconnect sản xuất phim hoạt hình, hay các doanh nghiệp sản xuất âm nhạc, game…. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nội dung số vẫn than rằng họ đơn thương, độc mã khi đi ra quốc tế, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) xác nhận chưa có nhiều chương trình, đề án cụ thể đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình tiến ra nước ngoài.
Khẳng định nội dung số là lĩnh vực được nhà nước quan tâm từ rất sớm, ông Long dẫn ra hàng loạt những chương trình tổng thể và chỉ ra đây là lĩnh vực đã được đề cập trong rất nhiều văn bản chính sách và các chương trình thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ nội dung nghiên cứu sản xuất ứng dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số chính sách chưa thực hiện được mục tiêu phát triển truyền thông số - lĩnh vực đang gặp rào cản về giấy phép và khẩu kiểm duyệt rất khó khăn.
“Việc doanh nghiệp số đơn độc tiến ra nước ngoài là có và vấn đề này chúng tôi đang lưu ý. Chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động cụ thể khi các doanh nghiệp đi ra nước ngoài với sự hỗ trợ của nhiều công cụ, nhiều chương trình cùng sự phối hợp của rất nhiều bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội đã đi ra nước ngoài thành công đều rất sẵn sàng hỗ trợ, để phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài” – Vụ trưởng Triệu Minh Long khẳng định./.