Dòng tiền khan hiếm khiến các phân khúc có giá trị cao như biệt thự, nhà phố bị ảnh hưởng lượng giao dịch.
Nhiều nhà đầu tư cho biết thị trường bất động sản đã “nguội”. Hình thức đầu tư, chốt lãi theo kiểu “mì ăn liền” đã không còn hiệu quả. Đặc biệt, các sản phẩm có giá trị càng lớn, nhà đầu tư đang cân nhắc kỹ khả năng sinh lợi vì lo ngại bị chôn vốn. Vì thế, phân khúc biệt thự, nhà phố sụt giảm lượng tiêu thụ kỉ lục trong các tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Ánh Dương (45 tuổi, nhà đầu tư bất động sản) cho biết đầu năm nay ông đã làm hồ sơ thanh lý căn biệt thự trị giá hơn 10 tỷ (đã đóng tiền hơn 5 tỷ) tại một dự án lớn ở TP.Thủ Đức.
“Tôi rao bán sang tay mãi mà không tìm được khách. Thị trường đóng băng nên tôi đành phải chấp nhận thanh lý, thu tiền về cho an tâm. Chôn vốn hơn 5 tỷ đồng mà chẳng thu được đồng lãi nào khiến tôi không còn niềm tin đầu tư vào biệt thự, nhà phố”, ông Dương cho hay.
Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận quý 1/2023 của DKRA Group, nguồn cung mới nhà phố/biệt thự khu vực TP.HCM và vùng phụ cận trong 3 tháng đầu năm 2023 đón nhận 375 căn mở bán đến từ 9 dự án, giảm 39% so với quý 1/2022. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu tại vùng giáp ranh TP.HCM.
Lượng tiêu thụ tương đương 54 căn, giảm đến 87% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu ở các dự án có mức giá dưới 3 tỷ đồng/căn. Biệt thự, nhà phố giảm giá vẫn không níu được khách.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án không thể “gồng” nỗi đã phải ra sức chiết khấu, bán cắt lỗ sản phẩm. Đáng chú ý, cá biệt có nhà phố, biệt thự khu vực vùng ven giảm giá sâu tới 40-50% để bán được hàng.
Nghiên cứu của DKRA Group, mặt bằng giá bán mới biệt thự, nhà phố giảm mạnh trong quý vừa qua, giảm 9% - 25% so với lần mở bán trước đó. Thanh khoản thị trường thứ cấp vẫn còn trầm lắng.
Nhiều dự án lớn đang được chủ đầu tư giảm giá bán. Tại thị trường thứ cấp, nhiều chủ nhà cũng chấp nhận hạ thấp giá bán sang tay trung bình khoảng 30% so với thời kỳ đỉnh điểm đầu năm 2022.
Một số khách hàng đã mua sản phẩm vì khó khăn trong dòng tiền nên đã lựa chọn giải pháp thanh lý, yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả số tiền đã đóng. Tuy nhiên, trong bối cảnh room tín dụng hạn chế, nhiều chủ đầu tư vẫn chưa thể thực hiện việc hoàn trả 100% số tiền đã đóng cho khách hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Giám đốc kinh doanh Phú Đông Group, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư có xu hướng thu tiền mặt về để giảm nợ, xử lý công việc. Đồng thời, nhiều người muốn tích trữ tiền mặt để giảm nguy cơ rủi ro. Vì thế, nhiều tài sản không tạo ra dòng tiền sẽ được ưu tiên thanh lý. Đây là lý do hàng loạt căn biệt thự, nhà phố được rao bán liên tục suốt thời gian qua.