Dân Việt

Vi phạm tại Nhà máy giấy Thuận Phát (Đà Bắc, Hòa Bình): Xem xét tiếp tục đình chỉ

Đình Việt 06/04/2023 13:47 GMT+7
Về vi phạm của nhà máy giấy Thuận Phát, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình khẳng định, trong trường hợp vi phạm đến mức xử lý hình sự thì sẽ xử lý hình sự.

Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt tác nghiệp đúng quy định

Liên quan đến vụ PV Báo NTNN/Dân Việt bị hành hung khi ghi nhận việc xả thải gây ô nhiễm và hoạt động chui của Chi nhánh Công ty THHH Sản xuất và Thương mại Thuận Phát tại Hòa Bình (nhà máy giấy Thuận Phát), ông Phan Huy Hà - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo NTNN/Dân Việt đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND và Công an huyện Đà Bắc (Hòa Bình).

Ông Lường Văn Thi - Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc nói về vi phạm của nhà máy giấy Thuận Phát. 

Tại buổi làm việc, ông Lường Văn Thi - Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết, quan điểm của lãnh đạo huyện là xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi hành hung phóng viên khi tác nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc khẳng định, PV Báo NTNN/Dân Việt tác nghiệp tuân thủ theo đúng quy định của Luật Báo chí.

Trong khi đó, trung tá Đinh Hoài Nam - Phó Trưởng Công an huyện Đà Bắc đơn vị đang khẩn trương điều tra vụ việc.

"Hiện chúng tôi đã hoàn thành việc lấy lời khai của những người tham gia hành hung phóng viên, trong đó có Giám đốc Chi nhánh Công ty THHH sản xuất và thương mại Thuận Phát tại Hòa Bình. Toàn bộ quá trình điều tra đều được báo cáo lên lãnh đạo huyện và lãnh đạo Công an tỉnh" – ông Nam thông tin.

Ngoài ra, Phó trưởng Công an huyện Đà Bắc nhấn mạnh, vì vụ việc được dư luận cả nước quan tâm nên đơn vị sẽ sớm kết thúc điều tra để xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Nói về việc nhà máy giấy Thuận Phát xả thải gây ô nhiễm và hoạt động chui, ông Lường Văn Thi - Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết, trong Quyết định số 24 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình về việc đình chỉ hoạt động, có ghi rõ việc nhà máy chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã đáp ứng được các yêu cầu về môi trường.

Theo đó, đến ngày 5/4 (hết thời gian bị đình chỉ), nhà máy giấy Thuận Phát buộc phải gửi báo cáo chi tiết về việc sửa chữa, khắc phục hệ thống xử lý nước thải cho Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình (Sở TN&MT), UBND huyện Đà Bắc và các đơn vị liên quan.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhà máy này vẫn chưa gửi bất cứ báo cáo nào cho UBND huyện Đà Bắc và các sở ban ngành liên quan. Đây là cơ sở để tiếp tục đình chỉ hoạt động sản xuất, xả thải của nhà máy.

"Sau ngày 5/4, chúng tôi sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ hoạt động của nhà máy giấy Thuận Phát, đảm bảo việc hoạt động và xả thải chui sẽ không tiếp diễn. Nếu vẫn cố tình vi phạm, huyện sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế cần thiết" – Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc khẳng định. 

 Đang bị đình chỉ nhưng vẫn xả thải là vi phạm pháp luật 

Cũng liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Khắc Long – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, trong nhiều năm, sở đã nhận được các ý kiến phản ánh của người dân về việc nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Clip: Đang bị đình chỉ hoạt động, nhà máy giấy Thuận Phát vẫn xả thải gây ô nhiễm môi trường. 

Do hoạt động của nhà máy này với hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu, hậu quả là xả thải gây ô nhiễm môi trường nước khu vực suối Cái, nên đến năm 2020, đã bị Tổng cục Môi trường xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đã có 5 lần kiểm tra giám sát. Quá trình kiểm tra giám sát, nhà máy chưa khắc phục được các tồn tại theo như kết luận của đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường cũng như các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình.

Vì thế, Sở TN&MT đã đề xuất cho dừng hoạt động dự án lại trong 1 năm. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 24 để đình chỉ hoạt động 12 tháng đối với nhà máy giấy Thuận Phát.

"Nước thải của nhà máy giấy Thuận Phát là loại có tính chất ô nhiễm cao, quá trình sản xuất, hệ thống xử lý nước thải không đáp ứng được các quy chuẩn xả thải. Chính vì thế, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nguồn nước của tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ" – ông Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình thông tin, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Đà Bắc giám sát hoạt động sản xuất, xả thải của nhà máy giấy Thuận Phát.

Nếu đến ngày 5/4  mà nhà máy không khắc phục được hệ thống xử lý nước thải, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đề xuất cho dừng sản xuất.

Đồng thời, nếu vẫn tiếp tục xã thải trộm gây ô nhiễm, sẽ đề xuất cơ quan chức năng như cơ quan công an vào cuộc để xử lý nghiêm khắc. Trong trường hợp vi phạm đến mức xử lý hình sự, cơ quan công an sẽ vào cuộc xác minh làm rõ các hành vi.

"Còn việc đang trong thời gian bị dừng hoạt động nhưng nhà máy giấy Thuận Phát vẫn xả thải, đây là một hành vi vi phạm pháp luật" – ông Long khẳng định.

Có thể khởi tố hình sự khi nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng xã hội, không phải là trách nhiệm của riêng ai. Đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường, có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với doanh nghiệp nêu trên, theo kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường vào năm 2020, nhà máy giấy Thuận Phát xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm đến dướ 20m3/ngày đêm.

Vi phạm tại Nhà máy giấy Thuận Phát (Đà Bắc, Hòa Bình): Có thể khởi tố hình sự khi nào? - Ảnh 3.

Cận cảnh nhà máy giấy Thuận Phát. Ảnh: Dân Việt

Thông số tổng chất rắn lơ lửng bằng 148mg/l, vượt 1,34 lần; COD bằng 554 mg/l, vượt 2,6 lần; BOD5 ở 20 độ bằng 212 mg/l, vượt 3,93 lần quy chuẩn cho phép.

Căn cứ vào vi phạm nêu trên, ngày 16/1/2020, Tổng cục Môi trường  đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đơn vị này 90 triệu đồng.

Ngoài ra, yêu cầu nhà máy phải có biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra ngoài môi trường. Cắt, bịt đường ống có thể thoát nước xeo giấy ra ngoài môi trường không qua hệ thống xử lý.

Như vậy, theo nội dung phản ánh của cơ quan chức năng, doanh nghiệp này liên tục có những sai phạm, không đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn về chất thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và từng đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét làm rõ hành vi vi phạm, đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả đã gây ra đối với xã hội để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật

Theo ông Cường, việc xử lý doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản dưới luật, trong đó có Nghị định 155/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP.

Theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng một trong hai hình phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Với hình thức phạt tiền, mức phạt tiền tối đa có thể lên đến 2 tỷ đồng cho mỗi hành vi vi phạm.

Biện pháp xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho đến khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan đến quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định.

Vi phạm tại Nhà máy giấy Thuận Phát (Đà Bắc, Hòa Bình): Có thể khởi tố hình sự khi nào? - Ảnh 6.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Bởi vậy, trong trường hợp doanh nghiệp liên tục vi phạm về bảo vệ môi trường, ngoài việc xử phạt tiền, cơ quan chức năng có quyền tạm đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp và buộc khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, pháp luật Việt Nam hiện nay có chế tài hình sự rất cụ thể về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, tôi "Gây ô nhiễm môi trường" theo Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 quy định, phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm nếu có các hành vi sau:

Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ trái quy định của pháp luật từ 3.000kg đến dưới 5.000kg; Xả thải ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000m3/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.

Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 lần đến dưới 4 lần; Xả ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14.

Thải ra môi trường từ 300.000 m3/giờ đến dưới 500.000m3/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên; Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kg đến dưới 500.000 kg.

Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép; Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 2 lần đến dưới 4 lần.

Các hành vi vi phạm này nếu ở mức cao hơn có thể bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù 3 đến 7 năm.

Từ các phân tích trên, ông Cường cho biết, các cơ quan chức năng cần xem xét, làm rõ những hành vi vi phạm của nhà máy giấy Thuận Phát để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì cần nhanh chóng khởi tố vụ để điều tra làm rõ. Trong đó, cần xác định, nhà máy này nhiều lần bị xử lý vi phạm hành chính là một tình tiết tăng nặng.