Vi phạm tại Nhà máy giấy Thuận Phát (Đà Bắc, Hòa Bình): Đề nghị rút giấy phép mới xử lý được dứt điểm

Đình Việt Thứ sáu, ngày 31/03/2023 13:58 PM (GMT+7)
Các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc, xử phạt, yêu cầu xử lý dứt điểm vi phạm của nhà máy giấy Thuận Phát (Đà Bắc, Hòa Bình), nhưng chuyện vẫn đâu vào đấy.
Bình luận 0

Bị xử phạt, yêu cầu ngừng hoạt động vẫn xả thải

Dòng suối Cái có lưu lượng nước khá lớn, đủ để cung cấp cho cả vùng nông nghiệp thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. 

Thế nhưng, dù sống cạnh nguồn nước dồi dào, người nông dân nơi đây vẫn phải lặn lội đi hàng chục km để tìm nguồn nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.

Video: Nhà máy giấy Thuận Phát ngang nhiên xả thải ra môi trường dù đang bị ngưng hoạt động. 

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, lý do của việc trên là vì nhiều năm liền, nhà máy sản xuất giấy Thuận Phát thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát, nằm trên địa bàn xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã vi phạm pháp luật về môi trường khi xả một lượng lớn nước thải công nghiệp xử lý chưa đạt yêu cầu ra thẳng thượng nguồn suối Cái.

Hệ quả đã nhìn thấy rõ, hạ lưu suối Cái bị ô nhiễm. Cả một vùng sản xuất của bà con nông dân thuộc huyện Thanh Sơn không thể dùng nước ô nhiễm để sinh hoạt tưới tiêu.

Theo tài liệu PV Dân Việt có được, từ năm 2020 đến năm 2022, liên tiếp có những kết luận, quyết định xử phạt của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và UBND tỉnh Hòa Bình về hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường của nhà máy Thuận Phát. 

Cụ thể, theo kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường vào năm 2020, nhà máy giấy Thuận Phát xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm đến dướ 20m3/ngày đêm.

Thông số tổng chất rắn lơ lửng bằng 148mg/l, vượt 1,34 lần; COD bằng 554 mg/l, vượt 2,6 lần; BOD5 ở 20 độ bằng 212 mg/l, vượt 3,93 lần quy chuẩn cho phép.

Căn cứ vào vi phạm nêu trên, ngày 16/1/2020, Tổng cục Môi trường  đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đơn vị này 90 triệu đồng.

Ngoài ra, yêu cầu nhà máy phải có biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra ngoài môi trường. Cắt, bịt đường ống có thể thoát nước xeo giấy ra ngoài môi trường không qua hệ thống xử lý.

Tỉnh Hòa Bình có bất lực trước vi phạm của nhà máy giấy Thuận Phát? - Ảnh 3.

Toàn cảnh nhà máy giấy Thuận Phát. Ảnh: Dân Việt

Điểm xả nước thải ra ngoài suối Cái phải được cải tạo nổi trên mặt đất để tiện theo dõi, giám sát. Cải tạo lại bể xử lý số 3 xử lý dịch đen đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường...

Đến ngày 31/12/2021, nhà máy giấy Thuận Phát tiếp tục bị UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 102 triệu đồng.

Lý do bị xử phạt là, sau kết luận của Tổng cục Môi trường, mặc dù nhà máy đã có ý thức khắc phục, tuy nhiên chưa triệt để, nước thải sau xử lý chưa đạt QCVN 12-MT:2015/BTNMT. Ngoài ra, vẫn có hoạt động xả thải chưa đảm bảo quy chuẩn cho phép ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Trước các vi phạm nêu trên, vào ngày 5/4/2022, sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 24 về việc ngừng hoạt động toàn bộ nhà máy giấy Thuận Phát trong 12 tháng.

Thế nhưng, ghi nhận của Dân Việt, nhà máy này vẫn hoạt động, có xả nước thải ra môi trường.

"Ngày 21/3/2023, UBND huyện Đà Bắc đã giao Phòng TNMT huyện, phối hợp với Công an huyện, UBND xã Tú Lý tiến hành kiểm tra nhà máy Giấy Thuận Phát. Kết quả kiểm tra cho thấy, khu vực nhà xưởng của nhà máy vẫn đang hoạt động với hàng loạt dây chuyền và khoảng 15 công nhân. 

Đặc biệt, khu vực hệ thống xử lý nước thải của nhà máy vẫn đang xả thải trái phép" - báo cáo số 72 ngày 22/3/2023, của UBND huyện Đà Bắc nêu rõ.

"Rút giấy phép mới xử lý dứt điểm được"

Bức xúc hơn, dù Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và các đơn vị khác của tỉnh đều vào cuộc, ban hành nhiều công văn yêu cầu xử lý dứt điểm và chấp hành quyết định ngưng hoạt động đối với nhà máy giấy Thuận Phát nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, đơn vị này không chấp hành.

"UBND huyện Đà Bắc không nhận được sư phối hợp từ phía Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát, công ty vẫn tự ý vận hành dây chuyền sản xuất và xả thải ra môi trường" - báo cáo số 246 ngày 17/8/2022 của UBND huyện Bà Bắc nêu rõ.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết, qua phản ánh của người dân, huyện nhận thấy nhà máy giấy Thuận Phát xả nước thải ra ngoài môi trường, đã vượt quá quy chuẩn cho phép.

Tỉnh Hòa Bình có bất lực trước vi phạm của nhà máy giấy Thuận Phát? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc. Ảnh: Dân Việt

Huyện cũng nắm được thông tin, tuy đã có Quyết định số 24 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc buộc cơ sở này tạm ngừng hoạt động, nhưng thực tế, nhà máy vẫn tiến hành hoạt động và xả thải ra môi trường vượt quá quy định.

Huyện đã có nhiều văn bản, công văn để báo cáo với các sở ngành của tỉnh. Thẩm quyền của huyện chỉ là giám sát nội dung liên quan đến việc xả thải, trong khi đó nhà máy lại ở xa trụ sở huyện.

Cho nên, cơ sở này thường xuyên lợi dụng những lúc thời tiết không thuận lợi như mưa gió, bão, hoặc vào những buổi sáng sớm, đêm hôm để xả thải.

"Gần đây nhất, sáng 21/3/2023, mặc dù Quyết định 24 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh vẫn đang còn hiệu lực, nhưng khi đoàn công tác của Phòng Tài nguyên và Mội trường huyện cùng nhóm phóng viên xuống kiểm tra, nhà máy vẫn cứ ngang nhiên hoạt động bình thường" – ông Tuấn thông tin.

Tại buổi làm việc với PV Dân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc nhấn mạnh, để giải quyết dứt điểm vấn đề nhức nhối này, huyện đề nghị rút giấy phép của nhà máy giấy Thuận Phát.

Theo đó, huyện Đà Bắc đã đề nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng để cùng phối hợp với huyện để có biện pháp để xử lý dứt điểm, tránh tình trạng báo chí, bà con nhân dân phản ánh nhiều lần.

"Dựa trên Quyết định 24 và những sai phạm thực tế, huyện đề nghị phải rút giấy phép hoạt động của nhà máy giấy Thuận Phát mới xử lý dứt điểm được" - Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc khẳng định.

Tại tọa đàm "Làm gì để bảo vệ nhà báo trong chống tiêu cực" do Báo NTNN/điện tử Dân Việt tổ chức chiều ngày 30/3, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, phải xem xét hành vi của nhà máy giấy Thuận Phát, vì sao đã bị đình chỉ nhưng vẫn xả thải, các cơ quan chức năng có biết việc việc này hay không?

Đặc biệt phải làm rõ có dấu hiệu bao che cho sai phạm ở đây hay không và ai phải chịu trách nhiệm cho hành vi coi thường pháp luật này?

Thêm nữa, cũng cần làm rõ, hành vi xả thải của nhà máy đã đến mức vi phạm pháp luật về môi trường chưa, nếu có cũng phải khởi tố để xử lý cho triệt để.

Tiếp đến, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nói, theo như trả lời báo chí của ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, huyện đã đề nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng để cùng phối hợp với huyện, phải có biện pháp để xử lý dứt điểm. Tránh tình trạng báo chí, bà con nhân dân phản ánh nhiều lần.

Dựa trên Quyết định 24 và những sai phạm thực tế, huyện cũng đề nghị là phải rút giấy phép hoạt động của Nhà máy giấy Thuận Phát mới xử lý dứt điểm được.

"Tôi rất chia sẻ với Phó Chủ tịch huyện Đà Bắc, qua câu trả lời trên, thấy ông Nguyễn Thanh Tuấn có chút bất lực và không hài lòng với doanh nghiệp đã bị xử lý nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Vậy, nếu huyện đã đề xuất như vậy mà vẫn chưa xử lý được, sẽ có 2 vấn đề, một là thiếu trách nhiệm của cơ quan đã được đề xuất, hai là có hay không hành vi bao che cho sai phạm" – ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, kì tiếp xúc cử tri sắp tới, những người dân bị ảnh hưởng bởi nước thải của Nhà máy giấy Thuận Phát có thể nêu kiến nghị của mình với Đoàn Đại biểu Quốc hội của địa phương để giám sát. Hoặc cũng có thể phản ánh tới Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh để giám sát.

Cuối cùng ông Nhưỡng cho biết, về vụ việc này, ông sẽ lĩnh hội, nghiên cứu. Nếu đây là vụ việc cần xem xét, sẽ đưa vào báo cáo tháng của Ban Dân nguyện để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem