Chiều 4/3, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Chuyên khoa II Nghiêm Thị Mai San, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thời gian gần đây số bệnh nhân nhi nhập viện bệnh viêm đường hô hấp gia tăng, nhất là do RSV (respiratory syncytial virus) hay còn gọi là virus hợp bào hô hấp là một loại virus gây bệnh truyền nhiễm tại đường hô hấp và phổi phổ biến nhất ở trẻ em.
Đáng chú ý, virus này lây lan rất nhanh qua đường hô hấp và biến chứng rất nhanh, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tháng hoặc 2 tháng tuổi.
Đa số trẻ nhập viện với biểu hiện ban đầu trong tình trạng thở khò khè, một số trẻ suy hô hấp. Trong số hơn 80 bệnh nhân nhập viện viêm đường hô hấp thì có 12 bé được xác định mắc RSV, 2 bé phải thở oxy vì nhiễm RSV nặng.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, các giường bệnh tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn đã chật kín bệnh nhân. Tại phòng cấp cứu, trong số nhiều bé được hỗ trợ đặc biệt, có 2 bé phải thở máy.
Một người nhà bệnh nhân cho biết, bé trai 3 tuổi mới đây gia đình phát hiện bé thở khò khè, biểu hiện viêm đường hô hấp, bé sốt 39 độ không dó dấu hiệu hạ sốt nên được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ thăm khám và xác định cháu nhiễm RSV.
Theo bác sĩ San, trẻ nhập viện không phải do đến bệnh viện muộn, mà do virus RSV biến chứng rất nhanh nên bệnh viện phải bố trí khu vực riêng để điều trị cho các bệnh nhân này. Trẻ nhiễm virus RSV thường có những biểu hiện đầu tiên ở đường hô hấp, tương tự triệu chứng cảm lạnh: ho khan, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi.
"Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể có các dấu hiệu nặng như sốt cao khó hạ, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, trẻ kích thích quấy khóc… Tuy nhiên, đối với trẻ dưới 2 tuổi và những người có bệnh nền thì bệnh có thể tiến triển nặng sau vài ngày và gây ra viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp cấp", bác sĩ San nói.
Cũng nói về nguyên nhân, bác sĩ San khuyến cáo, như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, virus RSV có thể lây lan qua đường miệng và phát triển rất nhanh, khi người bị bệnh ho hoặc hắt hơi phát tán vi rút ra môi trường. Đặc biệt, trẻ em thường tiếp xúc và bị nhiễm virus RSV ở môi trường bên ngoài như ở trường học, khu vui chơi hoặc nơi công cộng... Sau đó, trẻ có thể truyền virus cho các thành viên khác trong gia đình.
Đáng chú ý, sốt do virus RSV vẫn chưa có thuốc đặc trị, các bé vào bệnh viện đang được các bác sĩ chăm sóc hỗ trợ, nâng cao thể trạng sức khỏe cho bệnh nhân. Phụ huynh cần chú ý giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay cho trẻ thường xuyên. Khi trẻ ra ngoài, cần cho đeo khẩu trang, giữ ấm, tránh tiếp xúc với người bị ốm.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai San chia sẻ thêm, RSV thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa Đông Xuân (tức đây đúng thời điểm phát bệnh). Trẻ nhỏ hắt hơi sổ mũi một vài hôm đã chuyển nặng, ho, sốt khò khè chuyển biến nhanh thành viêm phổi phải nhập viện điều trị, trong số đó có những trẻ rất nặng phải thở oxy, thở máy… Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.