Chiều nay (4/4), Bộ LĐTBXH đã tổ chức buổi họp báo thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bom mìn ngày 4/4.
Số liệu từ Bộ LĐTBXH cho biết ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,31% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Hiện cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin.
Kết quả năm 2022, toàn quốc đã khảo sát được diện tích hơn 35.000 héc ta, rà phá bom mìn được trên 27.000 héc ta, trong đó các tổ chức quốc tế đã khảo sát được gần 7.000 héc ta, rà phá bom mìn được 4.800 héc ta, các đơn vị trong nước đã khảo sát được hơn 28.000 héc ta, rà phá bom mìn được hơn 22.200 héc ta.
Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia (VNMAC) đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn 04/4/2022, tuyên truyền về thực trạng và hậu quả nhằm giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân tại Lạng Sơn và Tây Ninh đạt hiệu quả tốt. Phối hợp với Bộ LĐTBXH tổ chức hỗ trợ 20 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KVMAP), đã thống kê được tổng số nạn nhân bom mìn tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định là 6.249, trong đó Quảng Bình là 5.177 nạn nhân (1.519 là nạn nhân nữ và 3.658 nạn nhân là nam) và Bình Định là 1.072 nạn nhân (240 nạn nhân là nữ và 832 nạn nhân là nam). Đã đào tạo được đội ngũ nòng cốt về công tác xã hội cấp cao với nạn nhân bom mìn là 79 cán bộ, trong đó, Bình Định là 40 người và Quảng Bình là 39 người.
Việt Nam cũng tham gia các hoạt động về hành động bom mìn của Liên hợp quốc, khu vực ASEAN và các tổ chức quốc tế. Chủ trì hoạt động của các nhóm công tác bom mìn tại Việt Nam. Mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng, thực hiện hợp tác hiệu quả, thiết thực; ký kết và thúc đẩy các bên thực hiện bản ghi nhớ đã ký trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.
Triển khai dự án “Rà phá bom mìn giai đoạn 3 tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”; dự án “Thí điểm Quy trình và Bộ công cụ quản lý rủi ro đối với Hành động bom mìn tại Việt Nam”; dự án “Hệ thống quản lý thông tin trong khắc phục hậu quả bom mìn” giai đoạn 2020 - 2023; dự án “Điều phối và cung cấp cố vấn kỹ thuật cấp cao cho VNMAC” theo kế hoạch, an toàn, chất lượng. Xây dựng kế hoạch và tổ chức 4 đợt tập huấn quản lý thông tin cho các tỉnh và các đơn vị hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh... Triển khai thu thập và nhập dữ liệu thông tin khắc phục hậu quả bom mìn vào phần mềm quản lý thông tin dữ liệu quốc gia; báo cáo dữ liệu quốc gia, cung cấp dữ liệu thông tin bom mìn theo quy định.
Nhân ngày 4/4, trong nước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như: phát động các cuộc thi, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiểm họa bom mìn… thực hiện triển khai tuyên truyền điểm tại Sơn La; Đồng Tháp.
Cũng trong ngày mai (ngày 5/4), tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc, tổ chức này cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như: Tọa đàm, triển lãm bom mìn... Việt Nam cũng cử phái đoàn tham gia sự kiện này, qua đó quảng bá cho thế giới thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả bom mìn trong suốt 50 năm qua.
Thống kê đến năm 2022, tổng số diện tích còn ô nhiễm rất lớn, khoảng 5,6 triệu héc ta, tương đương với 17,71% do đó phải cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại cuộc sống an toàn cho nhân dân, góp phần và sự phát triển bền vững của đất nước.
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng giám đốc Thường trực Trung tâm hành động quốc gia về bom mìn (VNMAC) cho biết, Việt Nam và Mỹ ký bản cam kết hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh gồm 9 nội dung. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các nội dung trong bản ghi nhớ, Chính phủ Hoa kỳ cũng thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết hỗ trợ rà phá bom mìn.
Từ nay tới năm 2028, Chính phủ Hoa kỳ cũng quyết định tăng cường năng lực cho đội rà phá bom mìn, điều này thể hiện trong cam kết nâng cao năng lực tài chính cho phía Việt Nam.
Việt Nam cũng đề nghị phía bạn rà phá hơn 200 héc ta đất còn tồn đọng bom mìn. Chính phủ Hoa kỳ đã ghi nhận đề nghị này nhưng chưa được Quốc hội thông qua.
"Ngoài ra, hoạt động rà phá bom mìn thời gian qua cũng bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn lực rà phá bom mìn cũng bị giảm đi nhiều. Cơ chế phối hợp kêu gọi nguồn lực xã hội hóa dù đã có nhưng vẫn chưa làm được", ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho biết thêm, hiện nay thiết bị phục vụ rà phá bom mìn của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Việc áp dụng thiết bị rà phá không người lái gặp khó khăn vì địa hình của Việt Nam đồi núi, chiến tranh qua lâu, vật liệu nổ nằm sâu dưới mặt đất nên việc tìm kiếm cực kỳ khó khăn.
"Phía Hoa Kỳ cũng có động thái trong việc hỗ trợ, cử chuyên gia sang làm việc nhưng chưa đạt kết quả. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng vậy, họ cũng có cơ chế tài trợ, thông qua công ty sản xuất thiết bị nhưng gặp vướng mắc về giấy tờ nên chưa triển khai được", ông Phúc nói.