TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội được ra mắt vào năm 2017, đến nay đã chiếm thị phần khá lớn. Theo số liệu của DataReportal, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng 49,9 triệu người dùng khi kết thúc tháng 2/2023. Nền tảng ứng dụng này xâm lấn đời sống của nhiều người, trong đó ảnh hưởng khá lớn tới giới trẻ.
Em Nguyễn Phương Anh, học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay: "Mỗi khi rảnh em hay vào mạng để xem TikTok. Có những lúc em xem clip theo chủ đích về các idol Hàn Quốc yêu thích và cũng có lúc em xem theo nội dung mặc định". Phương Anh thừa nhận cũng có nhiều clip "vô bổ", nhảm nhí không có nội dung và bạo lực.
Chị Lê Mai Hồng, phụ huynh ở quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ, TikTok làm phong phú đời sống văn hoá văn nghệ, có môi trường cho giới trẻ hoà nhập theo trào lưu của thế giới cũng như kích thích sự phát triển khả năng tiềm ẩn của bản thân. Ngay bản thân chị cũng hay xem review về địa điểm vui chơi, ẩm thực…
Thế nhưng, chính bởi sức ảnh hưởng lớn và là nền tảng được trả tiền dựa trên lượt view, tương tác, nên có tình trạng TikToker dùng những nội dung độc hại, đi ngược với văn hoá, thuần phong mỹ tục, và những chiêu trò phản cảm để câu view kiếm tiền, tạo phong trào không lành mạnh trong giới trẻ. Vì TikTok không phân hóa độ tuổi nên chị Hồng rất lo lắng khi con vô tình tiếp xúc với những video độc hại này.
Có con trong độ tuổi mầm non, chị Trần Ánh Tuyết, quận Hà Đông, Hà Nội cũng giật mình khi có lần thấy con gái 5 tuổi uốn éo những tư thế gợi cảm bắt chước trên mạng. Không những thế, con chị dễ bị ảnh hưởng tâm lý với những clip có nội dung bạo lực gia đình, yêu đương nhố nhăng... Ngay sau đó, chị Tuyết đã phải kiểm soát thời gian và nội dung con xem TikTok.
Cần kiểm soát nội dung trên TikTok
Liên quan đến ứng dụng đang làm mưa làm gió này, chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Mai Lan, giáo viên lớp 2 ở Hà Nội cho biết, nhờ có TikTok mà nhiều học sinh trong lớp nhảy theo rất giỏi. Thế nhưng không ít lần cô Lan bất ngờ và nhắc nhở khi học sinh nhỏ tuổi của mình có những lời nói hay cử chỉ không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi.
Cô Bùi Thị Bảo Ngọc, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Khoa học Giáo dục, Hà Nội cho hay: "TikTok là một nền tảng mạng xã hội phổ biến. Nếu như biết kiểm soát tốt những nội dung lành mạnh, phù hợp lứa tuổi, thời lượng sử dụng phù hợp thì có thể giúp học sinh nắm bắt thông tin nhanh, giảm stress sau những giờ học căng thẳng".
Tuy nhiên, cô Ngọc cảnh báo bên cạnh những mặt tích cực, học sinh dễ sa đà vào các clip trên nền tảng này mà lơ là việc học, việc thức khuya khiến các em mệt mỏi, học kém hiệu quả và giảm tương tác với mọi người... TikTok cũng đã và đang bộc lộ nhiều tiêu cực khi xuất hiện những trào lưu phản cảm, độc hại như sex jokes (trò đùa tình dục), nhảy múa khoe thân, quảng cáo phim 18+, bạo lực trên mạng,…
"Gia đình và nhà trường cần phối hợp giáo dục nâng cao nhận thức của các em khi sử dụng mạng xã hội. Nhà trường tăng cường những sinh hoạt lớp chủ đề "sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả", giúp học sinh nắm được các tình huống thực tế của đời sống, trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản khi sử dụng mạng xã hội.
Nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động Câu lạc bộ, hoạt động phong trào, đoàn thể,... giúp học sinh phát huy năng lực cá nhân, kết nối, giao tiếp tốt với mọi người. Học sinh cần chọn lọc thông tin phù hợp để phát huy những mặt tích cực mà mạng xã hội đem lại, hạn chế những tiêu cực trong thế giới ảo, hướng đến cuộc sống tích cực, lành mạnh và hiện đại", cô Ngọc cho biết.
Cô Nguyễn Thúy Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Văn Lang, quận Đống Đa, Hà Nội cho hay, các trường không cấm được học sinh sử dụng vì đây là mạng xã hội mở mà chỉ đưa nội dung này vào các tiết sinh hoạt để giới hạn, nhắc nhở, định hướng các em không đăng thông tin nhạy cảm về giới tính, đồi trụy...
"Học sinh của trường khá hiền lành nên không bị ảnh hưởng quá nhiều nội dung xấu trên TikTok. Các giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên nhắc nhở các em không nên sa đà vào. Tuy nhiên, rất mong các nhà quản lý cần chặt chẽ hơn để kiểm duyệt nội dung tạo một sân chơi lành mạnh cho các em", cô Phương bày tỏ.
Cũng liên quan đến nội dung này, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội chia sẻ: "Khi học sinh sử dụng các trang mạng xã hội, nhà trường đều có quy định sử dụng phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam, cách ứng xử và đặc biệt là tuyệt đối không đưa hình ảnh, clip có nội dung chưa kiểm chứng, phản cảm, bạo lực... lên mạng".
Mới đây, một số Tiktoker đăng tải các clip tư vấn học sinh chọn ngành nghề với chủ đề "Những bằng đại học vô dụng nhất" và đã gây tranh cãi gay gắt. Thầy Bình nói thêm: "Trên TikTok bây giờ có nhiều nội dung khác nhau, không chỉ tác động đến học sinh mà cả người lớn cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhà trường luôn khuyến cáo các em nên sử dụng có chọn lọc. Những thông tin không chính thống thì phải trao đổi ngay giáo viên, nhà trường chứ không phải cái gì cũng đúng, cũng phù hợp. Tôi mong các nhà quản lý có biện pháp mạnh, không cho phát tán nội dung xấu để ảnh hưởng đến xã hội và các em học sinh".