Các trường rục rịch tăng học phí, sĩ tử lo ngay ngáy

Thu Thủy Thứ tư, ngày 05/04/2023 06:05 AM (GMT+7)
Trong năm học 2023-2024, nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí theo Nghị định 81. Các sĩ tử tỏ ra lo lắng trước thông tin này.
Bình luận 0

Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí

Học viện Tài chính dự kiến học phí năm học 2023 - 2024 đối với chương trình chuẩn từ 22 - 24 triệu đồng/sinh viên/năm học; chương trình chất lượng cao từ 48 - 50 triệu đồng/sinh viên/năm học; diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42 - 44 triệu đồng/sinh viên/năm học. Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi, nếu tăng thì không quá 10%.

Năm học trước, trong đề án tuyển sinh đại học, Học viện Tài chính cho biết học phí năm học 2022-2023 đối với sinh viên hệ chương trình chuẩn là 20.000.000 đồng/sinh viên; chương trình chất lượng cao là 47.500.000 đồng/sinh viên; diện tuyển sinh theo đặt hàng là 42.000.000 đồng/sinh viên. Như vậy, Học viện dự kiến tăng học phí khoảng 10% so với năm học trước. Việc tăng học phí năm học mới cũng được Học viện Tài chính thông báo trong đề án tuyển sinh năm 2022.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến điều chỉnh học phí chương trình chuẩn từ hơn 440.000 đồng/tín chỉ lên hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển năm học tới; với chương trình chất lượng cao, học phí là 1,5 triệu đồng/tín chỉ, tăng 200.000 đồng/tín chỉ.

Các trường rục rịch tăng học phí, sĩ tử lo ngay ngáy - Ảnh 1.

Sinh viên Đại học Thủy lợi học tập tại ký túc xá. Ảnh: TLU

Trường Đại học Điện lực dự kiến tăng từ hơn 14 triệu đồng/năm đối với sinh viên khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng/năm với khối Kỹ thuật lên tương đương gần 16 đồng và 18 triệu đồng trong năm học 2023-2024.

Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo học phí năm học 2023-2024 của 12 khoa, trường thành viên được thu theo Nghị định 81.

Học phí Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Dự kiến học phí năm học 2023-2024 của trường từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Bách khoa – Đại Quốc gia TP.HCM quyết định mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình trình chuẩn, tăng 2,5 triệu đồng so với mức dự kiến năm ngoái…

Theo Nghị định số 81 của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021, có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1,2 đến 3,5 triệu đồng/sinh viên/tháng.

Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuối năm 2022, Chính phủ đã có Nghị quyết về ổn định mức thu học phí nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát. Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ, ngành giữ nguyên mức thu học phí ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học công lập bằng năm học trước đó.

Chưa thi tốt nghiệp THPT, sĩ tử đã lo học phí đại học tăng

Thực tế, trong mùa tuyển sinh trước, nhiều thí sinh đã phải chuyển ngành học do học phí. Câu chuyện này dự đoán vẫn tiếp diễn trong mùa tuyển sinh năm nay, dù hiện nay, thí sinh đang phải dồn sức cho kỳ thi quan trọng – kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Lê Thị Thu Lan (học sinh lớp 12 trường THPT Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, em rất yêu thích ngành Kinh tế nên đang dự định sẽ xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào một số trường đại học tại Hà Nội. Tuy nhiên, trước thông tin học phí các trường mà em dự định xét tuyển sẽ tăng, Thu Lan cho biết sẽ cân nhắc và tham khảo ý kiến gia đình.

"Gia đình em thuần nông, bố mẹ đều bám ruộng làm rau. Em rất lo lắng nếu như đỗ đại học, bài toán học phí sẽ là gánh nặng cho gia đình khi phải đóng hàng chục triệu cho mỗi năm học", Thu Lan cho hay.

Còn Nguyễn Phúc Hưng, học sinh THPT tại Bắc Kạn phải "đứng giữa đôi dòng nước" để lựa chọn trường mình thích nhưng học phí cao, hay trường có học phí phù hợp với điều kiện gia đình.

"Năm ngoái em được giải học sinh giỏi tỉnh và có thể được xét tuyển thẳng vào trường đại học. Tuy nhiên trường em thích, có nguyện vọng theo học thì lại đang dự kiến tăng học phí tới hơn 10%. Việc này khiến em rất đắn đo", Hưng cho hay.

Tại hội nghị về tự chủ đại học do Bộ GDĐT tổ chức năm 2022, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, quá trình tự chủ đại học là chủ trương đúng và phù hợp với xu thế của thế giới, song, ông Nhĩ cảnh báo, quá trình tự chủ đại học làm không khéo sẽ đánh mất cơ hội cho nhiều người học khi học phí bị đẩy lên quá cao.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, muốn nâng cao chất lượng đào tạo đại học buộc phải tăng suất đầu tư, kinh phí đào tạo. Việc tăng chi phí đào tạo để tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng và thu hút được đội ngũ giảng viên giỏi.

Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, việc tăng học phí không có nghĩa giảm công bằng xã hội. Các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì cần phải có kinh phí. Muốn có kinh hỗ trợ không có cách nào khác phải tăng học phí.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, trên lộ trình tự chủ đại học, nhiều trường đại học công lập đã phải tăng học phí trong năm học 2022-2023.

Vì vậy, để có thể đáp ứng yêu cầu tăng học phí ở một số ngành, một số trường, thí sinh trúng tuyển có thể tìm các nguồn học bổng hỗ trợ của chính trường đó hoặc các tổ chức cấp học bổng, đồng thời tìm hiểu và làm thủ tục vay tín dụng ở ngân hàng chính sách xã hội.Trong thời gian học tại trường, sinh viên cũng có thể tìm thêm các việc làm phù hợp để có thêm chi phí trang trải cho việc học tập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem