Mới đây, thông tin về nữ sinh Trần Ngọc Hân, 17 tuổi, nhận học bổng giành học bổng hơn 7 tỷ đồng vào Đại học Harvard, Mỹ khiến ai cũng trầm trồ. Ngoài học bổng của Harvard, Ngọc Hân còn được thêm học bổng của Hoàng gia Anh (Royal Society) để học Đại học Auckland ở Australia và Đại học Cambridge ở Anh. Tất cả các trường này, Ngọc Hân đều đăng ký chuyên ngành Tâm lý học.
Ngọc Hân sinh năm 2007 ở TP.HCM. Đầu năm 2016, Hân theo gia đình đến New Zealand sống và học tập do mẹ sang làm nghiên cứu sinh. Nữ sinh được nhận xét là chăm chỉ, có trách nhiệm, tự hoàn thành bài vở được giao mà không cần bố mẹ phải nhắc nhở. Hân luôn đạt điểm A tất cả các môn học nhưng cô có thiên hướng các môn xã hội và nghệ thuật. Cô rất thích đọc sách, truyện và vẽ. Sau khi lên cấp 2, Hân đã định hình rõ chuyên ngành Tâm lý học và tự lên danh sách các trường dạy tâm lý trên thế giới để tìm hiểu và nộp đơn.
Có được thành tích này, người được nhắc đến nhiều nhất đó chính là Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp - mẹ của Hân. Chị hiện là quản lý vận hành các dự án nghiên cứu của Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Thương mại thuộc khối các trường đại học và viện nghiên cứu trực thuộc Đại học Auckland. Chị có bằng thạc sĩ Tài chính loại giỏi từ trường Đại học Massey, New Zealand; bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh loại giỏi từ trường Đại học Marshall, Mỹ và bằng tiến sĩ tại Đại học Auckland, New Zealand và hơn 10 năm làm giảng viên ngành Tài chính kinh tế ở Mỹ, Việt Nam và New Zealand. Trước khi tham gia giảng dạy đại học, chị có hơn 5 năm làm việc ở ngân hàng trong phòng quản lý doanh nghiệp và đầu tư.
Chị Điệp cho hay, chị luôn sống và yêu cầu với bản thân là làm việc gì, dù nhỏ nhất, cũng phải hoàn thiện một cách tốt nhất trong khả năng có thể. Điều quan trọng là luôn cố gắng giữ vững tinh thần, cảm nhận những niềm vui nho nhỏ, những hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống và dành thời gian ngắm nhìn những cảnh đẹp trong hành trình đó.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Điệp cho hay: "Mình may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống học. Bố là tiến sĩ Toán Kinh tế tốt nghiệp ở Ba Lan đầu những năm 80, em trai cũng là tiến sĩ về Toán lý thuyết ở Mỹ. Điều mà bố truyền cho con là niềm đam mê học tập khi còn bé và làm nghiên cứu sau này chứ không phải là áp lực phải được bằng này bằng kia. Bởi vậy, mình cũng không bao giờ đặt yêu cầu cao hay bắt Hân và em trai phải được cái này cái kia. Mình luôn khuyến khích các con trải nghiệm và theo đuổi những gì con thích mà không sợ thất bại.
Mình luôn nói là chỉ có con mới hiểu được bản thân mình cần gì và muốn gì, không ai kể cả bố mẹ có thể quyết định thay con được. Mình chỉ yêu cầu một điều duy nhất đó là nếu đã quyết làm gì thì hãy kiên trì làm đến cùng vì không một con đường nào là trải thảm đỏ và hoa hồng. Những thành công dù nhỏ nhất cũng được đánh đổi bằng công sức, mồ hôi và có khi cả nước mắt".
Hồi mới sang New Zealand, chị Điệp mua tặng hai con chiếc đèn ngủ có câu: "Don't just dream, make it happen". Đó là thông điệp chị muốn truyền cho các con là đừng chỉ mơ ước mà hãy hành động và lên kế hoạch để ước mơ trở thành hiện thực. Với kinh nghiệm của mình, chị có thể giúp con phân tích tình huống, đưa ra nhiều lựa chọn và lên kế hoạch cụ thể cùng lời khuyên. Nhưng quyết định chọn gì và đi theo hướng nào thì hoàn toàn do các con tự quyết định.
Điều quan trọng là các con chị có thói quen thoải mái trao đổi với mẹ về việc học hành, bạn bè và cả những điều con thích hay không thích. Nếu gặp bài Toán khó con đều không ngần ngại vác sách sang hỏi mẹ. Từ kinh nghiệm bản thân, chị và chồng đều thống nhất với nhau là không bao giờ ép con làm gì mà con không thích, không bao giờ dùng đòn roi, mắng mỏ để dạy con mà cố gắng kiên nhẫn giải thích cho con hiểu. Vì chị biết điều đó (ép buộc, mắng mỏ, đòn roi) nhiều khi chỉ có tác dụng ngược lại, đặc biệt là với những đứa trẻ có cá tính riêng mạnh như hai chị em Ngọc Hân.
Ngay từ bé, chị Điệp đã không bao giờ ép con ăn, học, ngủ. Mà thay vào đó chị tạo một thời khóa biểu và tạo thói quen cho hai con bằng cách làm cùng con mỗi ngày trong nhiều năm. Ví dụ như là đúng đến giờ ăn mà con không muốn ăn thì có thể ngồi vào bàn ăn cùng gia đình ăn hoa quả hay canh. Đến giờ học thì cả ba mẹ con sẽ cùng nhau ngồi vào bàn học, dù không có bài cũng có thể ngồi vẽ, đọc sách, truyện mình thích nhưng đến giờ học là phải ngồi vào bàn. Đến giờ ngủ cũng vậy, đúng 8h30 tối cả nhà sẽ cùng lên giường nằm và tắt đèn đi ngủ.
"Thật ra khi các con ở tiểu học và trung học cơ sở, bố mẹ vẫn chủ yếu khuyến khích các bạn chơi thể thao, ăn ngủ đầy đủ để các con phát triển tốt và khỏe mạnh. Ở bên này học sinh không phải đi học thêm ngoài giờ và cũng không có quá nhiều bài tập về nhà", chị Điệp cho hay.
Thêm một điều nữa là dù bận rộn thế nào, chị Điệp vẫn luôn cố gắng đồng hành cùng các con những khi con cần. Nhờ vậy mà chị hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của con và kịp thời hướng dẫn phát triển những thế mạnh và cũng không quá bỏ bê các môn không phải là thế mạnh. Chị không cần các con học toàn diện.
Chị Điệp chia sẻ 8 bí quyết nuôi dạy con đó là:
1. Cách mình giúp con đạt được ước mơ và nhiều học bổng có giá trị là truyền cho con đam mê học tập từ nhỏ cùng quyết tâm thực hiện ước mơ bằng những kế hoạch cụ thể và sự kiên trì cố gắng mỗi ngày.
2. Thói quen tốt mà mình đã rèn được cho con là thói quen độc lập, sự kỷ luật với bản thân và đam mê đọc sách, học hỏi những điều mới.
3. Là một người mẹ, mình luôn cho rằng tình yêu thương, sự tin tưởng, chia sẻ mỗi ngày; giúp con hiểu và tìm ra được thế mạnh của mình; để con được tự do phát huy thế mạnh cùng đam mê và đủ tôn trọng những sở thích riêng, cá tính riêng của con sẽ tốt hơn là làm "mẹ hổ" và bắt con học đủ thứ cùng giỏi toàn diện.
4. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cách dạy và tiêu chuẩn giá trị trong gia đình mỗi người lại rất khác nhau. Một đứa trẻ nên được cha mẹ rèn dũa kỹ lưỡng theo mỗi độ tuổi, dạy con theo chân- thiện- mỹ thì ngay từ bé con đã có tính hướng thiện rồi.
5. Ngoài việc học thì các con cũng rất cần kỹ năng sống độc lập, suy nghĩ độc lập, tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mình gặp rất nhiều cô, cậu bé hơn 20 tuổi mà vẫn không biết nên thế nào, không dám nói hay quyết định gì, chuyện gì từ việc nhỏ nhất cũng ngại, sợ, lười... phải nhờ bố/mẹ làm hộ, hỏi hộ, nói hộ, có khi cả quyết định hộ.
6. Học không nhất thiết là cứ đúng giờ đó phải ngồi vào bàn học đúng từng đó thời gian. Học có thể đến từ rất nhiều nguồn, nhiều cách học và học không có nghĩa là chỉ học Toán, Văn, Lý, Hóa. Học phải hiểu thì mới hiệu quả, nhớ lâu và đỡ tốn thời gian. Làm đi làm lại hàng chục hàng trăm lần các dạng đề khác nhau không bằng hiểu công thức và cách áp dụng công thức thì dù đề có đổi thành dạng nào mình cũng giải được.
7. Đối với các bạn đang vào tuổi hâm, tuổi nổi loạn đừng can thiệp quá nhiều, quá sâu. Hãy giao việc kiểu giao KPI và deadline, còn quá trình làm thế thì hãy để các bạn ấy tự quyết định. Thưởng phạt rõ ràng, phân minh dựa theo kết quả.
8. Cuối cùng và là điều quan trọng nhất, ngay từ khi con còn bé xíu xiu hay đã lớn, mỗi ngày mình đều ôm con, hôn trán con và nói "mẹ yêu em". Mình luôn kết thúc một cuộc điện thoại hay tin nhắn bằng "I love you" để được nghe con nói lại "I love you too, Mum".