Indonesia đã phụ thuộc rất nhiều vào Bali để thúc đấy ngành du lịch đất nước này phát triển. Tuy nhiên, trong nỗ lực tăng doanh thu du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ Indonesia đã chỉ định 5 danh lam thắng cảnh trọng điểm, hay còn gọi là "điểm du lịch siêu ưu tiên". Chính phủ có kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở những điểm đến này và đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá để thu hút khách du lịch.
Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo đã nỗ lực đưa du lịch trở thành trụ cột của nền kinh tế kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2014. Năm 2015, ông đã chọn 10 điểm đến ưu tiên được cho là có tiềm năng trở thành điểm nóng du lịch quốc tế. Trong số các điểm đến này, có 5 điểm đến được coi là trọng điểm sẽ được ưu đãi. Những điểm đến này là Labuan Bajo, Hồ Toba, Yogyakarta, Mandalika và Likupang.
Chính phủ có kế hoạch dành 18,9 nghìn tỷ rupiah (1,26 tỷ USD) từ năm 2020 đến năm 2024 cho các dự án cơ sở hạ tầng, hoạt động quảng bá và đào tạo nhân sự tại 5 điểm đến. Khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ phục hồi. Chính phủ sẽ xem xét tăng ngân sách cho phù hợp.
Để quảng bá 5 điểm đến, Tổng thống Jokowi có kế hoạch tận dụng hội nghị cấp cao sắp tới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông ấy đã đăng tải trên twitter cá nhân vào ngày 14/3: "Chính phủ sẽ tận dụng hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á như một sự kiện quảng cáo cho Labuan Bajo, một trong những điểm du lịch siêu ưu tiên". Tổng thống Jokowi đã đến thăm Labuan Bajo, nơi được biết đến với những ngọn núi và bãi biển tuyệt đẹp, đồng thời là cửa ngõ vào đảo Komodo, nơi sinh sống của loài rồng Komodo đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Thị trấn cảng Labuan Bajo có sân bay, đường xá và khách sạn kém chất lượng hơn so với ở Bali. Tuy nhiên, chính phủ có kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cải thiện các cơ sở này. Indonesia là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay và Tổng thống Jokowi có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở Labuan Bajo vào tháng 5 tới đây. Năm ngoái, khi Indonesia giữ chức chủ tịch G20, chính phủ nước này muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở đó nhưng phải từ bỏ vì lý do an ninh và cơ sở hạ tầng.
Năm điểm đến nằm rải rác trên khắp đất nước, phản ánh chính sách của Tổng thống Jokowi nhằm đạt được sự phát triển cân bằng hơn trên toàn quốc. Hồ Toba, nằm ở phía bắc đảo Sumatra, là điểm đến cực tây trong số năm điểm đến. Đây là hồ miệng núi lửa lớn nhất thế giới, được tạo ra bởi các vụ phun trào núi lửa khổng lồ cổ đại. Chính phủ đã tổ chức các cuộc họp với các chức sắc nước ngoài ở đó và mời một cuộc đua thuyền máy quốc tế để nâng cao vị thế của nó.
Indonesia đã không tận dụng được hết các cảnh quan rộng lớn và đa dạng của mình, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ du lịch ở Bali. Gần 40% lượng khách nước ngoài vào năm 2019 là du khách đến Bali và chính quyền tỉnh Bali cho biết hòn đảo này chiếm 30% đến 40% dự trữ ngoại hối của đất nước thu được thông qua du lịch. Tuy nhiên, khảo sát của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới cho thấy đóng góp của ngành du lịch vào tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia chỉ là 5,6% trong năm 2019. Con số này nhỏ hơn nhiều so với mức 20,3% của Thái Lan và 7% của Việt Nam.
Lượng du khách nước ngoài đến Indonesia năm 2021 giảm hơn 90% so với mức đỉnh năm 2019 do đại dịch Covid-19. Một số nhà phân tích cho rằng du lịch khó có thể quay trở lại mức trước đại dịch trên toàn thế giới. Những nỗ lực của Indonesia nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Bali có thể cho thấy liệu điều này có đúng hay không. Chính phủ hy vọng sẽ cung cấp cho khách du lịch nhiều lựa chọn hơn bằng cách quảng bá năm điểm đến và tăng doanh thu du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.