Dân Việt

Một dòng kênh xanh đào ở Bến Tre khánh thành năm 1948 mang tên Phụ nữ

Thạch Thảo 06/04/2023 05:00 GMT+7
Khánh thành năm 1948, kênh Phụ Nữ ở cù lao Minh được khai sinh bởi đôi tay của hàng ngàn chị em phụ nữ hai huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc) và huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) đào kênh.

Khánh thành năm 1948, kênh Phụ Nữ ở cù lao Minh được khai sinh bởi đôi tay của hàng ngàn chị em phụ nữ hai huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc) và huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) đào kênh. 

Tính đến nay đã 71 năm kể từ ngày cắt băng khánh thành, trong không khí tháng 3, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại một “công trình tập thể” đáng ghi nhớ.

Một dòng kênh xanh ở Bến Tre vì sao lại mang tên kênh Phụ nữ? - Ảnh 1.

Dòng kênh xanh mang tên Phụ Nữ - công trình tập thể của hàng ngàn phụ nữ hai huyện Mỏ Cày và huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre khánh thành năm 1948.

Trước nhu cầu vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, thương bệnh binh, đạn dược, vật liệu cho quân giới vùng trên xuống vùng dưới và ngược lại, trong khi đó con đường Chợ Lách - Mỏ Cày - Thạnh Phú đã bị phá hoại từ những ngày đầu kháng chiến. 

Lúc bấy giờ, Ủy ban Kháng chiến hành chính (UBKCHC) tỉnh Bến Tre đã quyết định khai thông một con đường thủy từ phía đoạn kênh Cầu Mống - Vàm Đồn (ở xã Hương Mỹ, thuộc huyện Mỏ Cày) xuyên suốt các xã Phú Khánh, Đại Điền, Quới Điền (huyện Thạnh Phú) nối liền với sông Băng Cung, chiều dài 15km. 

Chỉ cần đào một số đoạn kênh ngắn nối liền các con rạch tự nhiên lại với nhau sẽ tạo thành một con đường thủy xuyên suốt, phụ nữ hai huyện Mỏ Cày và Thạnh Phú đã đảm nhận công việc nặng nhọc và không ít khó khăn này.

Khởi công từ đầu tháng 12-1947 đến ngày 8-3-1948 khánh thành. Để đào kênh, hàng ngàn dân công nữ hai huyện Mỏ Cày và Thạnh Phú, hết đợt này xong, đợt khác lên đường thay thế, họ mang theo dụng cụ, lương thực về công trường, dựng lán dưới rừng cây, hoặc ở nhờ nhà dân, đêm làm ngày nghỉ để tránh máy bay địch, làm việc ròng rã ba tháng trời bất chấp nắng mưa. 

Con kênh đào do bàn tay và đôi vai của hàng ngàn chị em phụ nữ có bề rộng 4m và sâu 1,5m, ngày nay dưới tác động của dòng chảy, chỗ rộng nhất của kênh lên đến 30m, hẹp nhất cũng từ 6 - 8m. 

Để ghi nhớ sự đóng góp công sức lớn lao này của phụ nữ hai huyện Mỏ Cày và Thạnh Phú, UBKCHC tỉnh Bến Tre đã ra quyết định lấy tên “Phụ Nữ” để đặt cho đoạn kênh này.

Khi xưa kênh Phụ Nữ là con đường thủy nội địa có nhiều lợi thế như đảm bảo cho ghe thuyền đi lại an toàn, tránh được tàu chiến và máy bay địch, rút ngắn quãng đường đi lại và phát triển kinh tế cho người dân. 

Ngày nay, theo ông Ngô Thành Nhân - Chủ tịch UBND xã Hương Mỹ, kênh Phụ Nữ là con đường thủy lớn và gần nhất giúp người dân trong việc vận chuyển dừa trái, mía, vật liệu xây dựng từ Mỏ Cày đi các tỉnh khác. 

Thêm vào đó, 15 năm trước, cống Cả Chát và cống Cái Lức ở Hương Mỹ được xây dựng ngăn không cho mặn xâm nhập vào nội đồng, kênh Phụ Nữ trở thành một hồ nước ngọt rộng lớn rửa phèn, trữ ngọt. 

Từ năm 2015, đất đai ở 6/9 ấp với diện tích khoảng 1.500 héc-ta hoàn toàn được cải tạo nhờ dòng kênh đào này, 10 ngàn nhân khẩu thuộc xã Hương Mỹ lập vườn dừa thành vườn cây ăn quả như bưởi da xanh, nuôi tôm càng xanh, chăn nuôi quanh năm…

Những chiếc cầu mới tinh bắc ngang dòng kênh Phụ Nữ, những ghe chở dừa, vật liệu xây dựng xuôi dòng trong ánh nắng chiều tháng 3 êm ả, chúng tôi cảm nhận một cuộc sống bình thường đang diễn ra với sức người phi thường.