Dân Việt

Giật mình clip độc hại trên TikTok "xúi" nuốt bài kiểm tra bị điểm kém: Chuyên gia lên tiếng

Tào Nga 06/04/2023 13:42 GMT+7
Khi học sinh bị điểm kém, TikToker mách bí kíp "thủ tiêu" bài kiểm tra bằng đường dạ dày, tức là học sinh gấp tờ giấy lại và... nuốt. Chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về nội dung này.

TikTok dạy học sinh nuốt bài kiểm tra gây hại cho sức khỏe

Thời gian qua, ứng dụng TikTok đã được nhiều người nhắc đến như một kênh giải trí và tham khảo thông tin phong phú. Đối với nhiều học sinh, các em tận dụng tối đa ứng dụng này và thu được lượng lớn kiến thức, bí quyết ôn tập và thi cử từ các TikToker là chuyên gia, giáo viên, sinh viên có kinh nghiệm. 

Tuy nhiên, bên cạnh những clip tích cực thì vẫn còn nhiều nội dung khiến người xem "gợn gợn" vì không phù hợp, dạy học sinh gian dối, thậm chí gây hại cho sức khỏe. 

Một tài khoản có tên N. làm clip dạy học sinh... thủ tiêu bài kiểm tra bị điểm kém bằng 3 cách. Trong đó, có cách khiến người xem rùng rợn là "thủ tiêu bằng đường dạ dày", tức là học sinh nuốt luôn tờ giấy kiểm tra.

img
img

Video thủ tiêu bài kiểm tra bằng cách nuốt. Ảnh: CMH

Clip này thu hút hơn 210.000 lượt yêu thích và cả nghìn bình luận. Cho dù mục đích clip ban đầu chỉ là vui vẻ nhưng việc dạy học sinh nuốt bài kiểm tra là không thể chấp nhận được. Hàng nghìn học sinh xem clip này và không ai dám chắc có em nhỏ nào không bắt chước theo nuốt giấy thật. Giấy viết mực có thể gây ra tình trạng ngộ độc. Thậm chí, nếu nuốt mực bút màu trôi nổi được bán trên thị trường rất nguy hại đến sức khỏe.

Không chỉ "xúi dại" học sinh nuốt giấy, tài khoản này còn có nhiều nội dung khác dạy học sinh gian dối như giả vờ ốm để được nghỉ học...

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về clip "nuốt bài kiểm tra bị điểm kém", chuyên gia tâm lý giáo dục Thanh Mai bày tỏ: "Thực sự đây là clip "xúi dại" bởi rất nguy hiểm cho tính mạng của học sinh khác nếu các em làm theo. Chắc hẳn chủ nhân của clip này muốn nổi nên đã câu view với nội dung này. Đối tượng làm bài kiểm tra đang là học sinh ở độ tuổi nhạy cảm và chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc nếu bắt chước. Chúng ta nên có biện pháp để quản lý và loại bỏ những clip độc hại như thế này".

Bên cạnh đó, chuyên gia Thanh Mai cũng cho hay, trẻ nếu thiếu sự quan tâm, hướng dẫn sát sao của bậc phụ huynh thì dễ bị lôi kéo vào các trò chơi, hành động không lành mạnh. Vì thế là phụ huynh cần động viên để con tiến bộ, tránh đặt nặng áp lực điểm số lên các con.

Cần quản lý chặt chẽ hơn nội dung trên TikTok

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.

Thạc sĩ Tâm lý trẻ em – cha mẹ Nguyễn Tú Anh nêu ý kiến: "Trẻ nhỏ chưa biết phân biệt đúng sai, phù hợp hay không phù hợp để nhận biết các loại nội dung trên TikTok (tốt, xấu, độc hại, vô bổ…). Thế nên người lớn cần ở bên để hướng dẫn, dạy bảo các em.

Tuy nhiên, khi dạy con, cha mẹ cũng nên tỏ thái độ phù hợp bởi các em thường rất nhạy cảm với những phản ứng của người lớn. Cụ thể như càng cấm đoán, càng gây tò mò hay cười đùa thì khiến con hiểu lầm là cổ vũ, khích lệ. Vì vậy, cha mẹ cần có sự kiểm soát đúng cách, bởi sai cách sẽ gây ra các hậu quả khôn lường".

Ngoài việc tư vấn cho học sinh sử dụng TikTok đúng cách, cha mẹ luôn đồng hành cùng con thì việc quản lý nội dung trên TikTok cũng được nhiều gia đình, chuyên gia, trường học mong muốn.

"Trên TikTok bây giờ có nhiều nội dung khác nhau, không chỉ tác động đến học sinh mà cả người lớn cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhà trường luôn khuyến cáo các em nên sử dụng có chọn lọc, những thông tin không chính thống phải trao đổi ngay giáo viên, nhà trường chứ không phải cái gì cũng đúng, cũng phù hợp. Tôi mong các nhà quản lý có biện pháp mạnh, không cho phát tán nội dung xấu để ảnh hưởng đến xã hội và các em học sinh", một hiệu trưởng ở Hà Nội bày tỏ.

Theo số liệu từ DataReportal, với 49,9 triệu người dùng tính đến tháng 2, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới. Báo cáo của Q&Me năm 2022 cũng cho thấy TikTok là ứng dụng có mức tăng trưởng tốt nhất tại thị trường Việt Nam, so với những cái tên như Facebook, YouTube.

Vì vậy, không ít TikToker sẵn sàng tạo những nội dung phản cảm, đi ngược với đạo đức nhằm thu hút tương tác. Có TikToker hồn nghiên kể câu chuyện của một học sinh trả thù cô giáo vì cô "dám" cho điểm kém và khiến người xem rùng mình khi đầu độc tư tưởng xấu. Hay mới đây một số tài khoản chia sẻ về 4 ngành học vô dụng nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt. Nhiều chuyên gia, nhà trường đã phải lên tiếng trước khi để nội dung này làm ảnh hưởng đến con đường học tập của học sinh.