Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm về địa danh Đá Ba Cái ở xã Phước Thành, huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận). Nơi đây đang lưu giữ 3 hòn đá được cho là có tuổi đời hằng mấy trăm năm, gắn liền với truyền thuyết tộc họ của đồng bào Raglai.
Từ trung tâm TP.Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi di chuyển bằng xe máy theo Quốc lộ 1 rồi rẽ vào tỉnh lộ 705 để đến xã Phước Thành, huyện Bác Ái.
Trong suốt quãng đường gần 60km, xuyên qua các cánh đồng và núi non hùng vĩ, chúng tôi được dịp chiêm ngắm những cảnh sắc tuyệt đẹp của đại ngàn sơn cước mới đến địa danh Đá Ba Cái nằm dưới chân núi Ma Dú.
Thấy chúng tôi ngắm nghía và chụp hình lưu niệm tại 3 hòn đá cổ của làng, cụ bà Katơr Thị Sánh (67 tuổi) ở sát bên khuôn viên Nhà văn hóa thể thao thôn Đá Ba Cái cho biết, đó là 3 hòn đá được dân làng xem như báu vật và giữ gìn, bảo vệ từ hàng trăm năm nay.
Theo cụ Sánh, 3 hòn đá nói trên không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngay từ lúc nhỏ bà đã thấy 3 hòn đá ở đó. Người xưa truyền lại 3 hòn đá này có sự gắn liền với truyền thuyết tộc họ của đồng bào Raglai huyện Bác Ái.
Để hiểu rõ hơn về sự tích 3 hòn đá trên, chúng tôi tìm gặp ông Katơr Thiếu, là người có uy tín trong cộng động Raglai ở xã Phước Thành.
Biết chúng tôi từ miền xuôi lên, ông Katơr Thiếu (60 tuổi) ở thôn Đá Ba Cái vui vẻ rót nước mời trà và cho biết, trước năm 2015 ông là Chủ tịch UBND xã Phước Thành. Còn hiện nay đang là chủ tịch Hội người cao tuổi của xã Phước Thành.
Đứng bên 3 hòn đá cổ được đặt trang trọng trên bệ xi măng cao khoảng 1 mét, ông Thiếu cho biết, thôn Đá Ba Cái được đặt theo 3 hòn đá này mà tiếng Raglai đọc là Patâu Tlơu Vok
Cũng theo ông Thiếu, 3 hòn đá nói trên xuất phát từ một truyền thuyết được người Raglai, truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Theo đó, từ thuở xa xưa, khu vực núi rừng Bác Ái, bỗng dưng xuất hiện một vị hung thần khổng lồ tên là Sipha Hà Lan. Vị hung thần này có 7 hàm răng và chuyên ăn thịt người nên đã sử dụng 3 hòn đá nói trên để làm bếp đun nấu thịt người Raglai.
Vì sợ người khổng lồ ăn thịt nên tộc họ Chamaléa đã hái dây mấu rừng để nấu nước tắm lên người làm cho da thịt có vị chát, chua nên không bị hung thần ăn thịt.
Clip: Địa danh Đá Ba Cái tại thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. (T/h: Đức Cường)
Để giúp dân làng khỏi bị ăn thịt, tộc họ Chamaléa đã đưa mọi người đi ẩn náu dưới những hang đá ở núi rừng Bác Ái. Đồng thời dùng cây căm xe để đặt bẫy dụ hung thần vào trong bẫy rồi bị trái căm xe kẹp vào "của quý" người khổng lồ cho đến chết.
Sau khi hung thần khổng lồ không còn thì tộc họ Chamaléa đến những nơi dân làng ẩn náu để giải thoát người dân. Từ đó, người được giấu dưới hòn đá mài mang họ Patâu Axá, người giấu dưới hòn đá bo bo mang họ Bo bo, Katơr, người giấu dưới tro bếp mang họ Pô pôn, người giấu dưới mo cau mang họ Pinăng…
Từ đó đến nay, 3 hòn đá mà hung thần khổng lồ dùng để nấu thịt người được người dân trong làng giữ gìn, bảo vệ như một cách để tưởng nhớ những người anh em đã bị ăn thịt.
Sau này, người dân cũng lấy luôn hình tượng 3 hòn đá để đặt tên cho bản làng là Đá Ba Cái nhằm biểu tượng cho tinh thần đoàn kết gìn giữ tộc họ của đồng bào Raglai ở núi rừng Bác Ái.
Trước đây, vị trí của Đá Ba Cái nằm dưới một cây nhông cao lớn gần tuyến đường nội thôn. Nhưng từ khi Nhà nước mở Quốc lộ 27B thì dân làng di dời về vị trí hiện tại.
"Đây cũng là địa chỉ văn hóa của đồng bào Raglai đến thăm viếng vào những dịp lễ tết rất đông…", ông Katơr Thiếu cho hay.
Cũng theo ông Katơr Thiếu, hiện nay người dân trong thôn cũng đang lên kế hoạch bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, tín người của Đá Ba Cái trong cộng đồng Raglai. Qua đó, nhắc nhở cho các thế hệ con cháu người Raglai về câu chuyện truyền thuyết của dân tộc mình.
"Để truyền thuyết về tộc họ người Raglai không bị mai một, chúng tôi sẽ biên soạn lịch sử của Đá Ba Cái rồi dịch ra bằng tiếng Việt và tiếng Raglai để lưu truyền lại cho thế hệ sau. Cùng với đó, thôn làng sẽ đề xuất chính quyền địa phương tu sửa khu vực này khang trang, sạch đẹp hơn để thu hút khách du lịch…", ông Thiếu cho hay.
Theo các chuyên gia du lịch ở Ninh Thuận, hiện nay, cái tên Đá Ba Cái đã gắn liền với văn hóa bản địa của đồng bào Raglai. Là địa danh "độc – lạ" để du khách đến tham quan thưởng ngoạn và khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Raglai bên chum rượu cần và thưởng thức tiếng đàn Chapi hòa quyện tiếng Mã La vang vọng giữa đại ngàn sơn cước.
Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà đến nay đời sống người Raglai huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) nói chung và xã Phước Thành nói riêng đã ngày càng khởi sắc.
Toàn xã hiện có 982 hộ với 4.034 nhân khẩu. Trong đó, có thôn hiện có 387 hộ nghèo và 159 hộ cận nghèo.
Riêng thôn Đá Ba Cái có 139 hộ với 506 khẩu, trong đó hộ nghèo đến cuối năm 2022 vừa qua đã giảm còn 36 hộ/150 nhân khẩu và hộ cận nghèo giảm còn 29 hộ/120 khẩu. Bà con nông dân trong thôn trồng mía đường, chuối thương phẩm, bắp lai và rất đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới để quê hương ngày càng phát triển.