Dân Việt

Chàng trai bỏ phố về quê phát triển nghề gốm truyền thống, thu về 2 tỷ đồng/năm

Thu Hương 07/04/2023 13:38 GMT+7
Dù có công việc ổn định tại Hà Nội, anh Lại Tuấn Sơn (SN 1987, trú thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vẫn quyết định trở về quê hương tiếp bước nghề gốm truyền thống mà ông cha đã để lại, thành công mở rộng quy mô nhà xưởng thu về gần 2 tỷ đồng/ năm.

Hành trình đấu tranh tư tưởng về quê nối nghiệp

Chúng tôi đến Làng nghề gốm cổ Quyết Thành (Kim Bảng, Hà Nam) gặp anh Lại Tuấn Sơn – quản lý xưởng gốm Liêm Kiểm để nghe anh chia sẻ câu chuyện thời thanh niên trẻ nghị lực, bỏ phố về quê nối nghiệp, giữ gìn tinh hoa gốm cổ quê nhà.  

Cận cảnh xưởng gốm của anh Lại Tuấn Sơn. Clip: Thu Hương

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường đại học Điện lực chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy, anh Sơn tìm được công việc theo ngành với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Song, anh vẫn nung nấu trong mình suy nghĩ về quê làm gốm, giữ lại nghề truyền thống đang dần bị mai một. 

Năm 2015, anh quyết định từ bỏ cuộc sống phồn hoa nơi thủ đô để trở về với miền đất bình dị quê nhà, bắt đầu xây dựng mở rộng nhà xưởng, nâng cấp hệ thống lò đốt truyền thống và sắm sửa trang thiết bị hiện đại hơn để làm gốm. 

Chàng trai 8x bỏ phố về quê phát triển nghề gốm truyền thống, thu về 2 tỷ đồng/năm  - Ảnh 2.

Anh Lại Tiến Sơn làm gốm cùng sự tâm huyết và tình yêu với nghề. Ảnh: Thu Hương

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Lại Tuấn Sơn cho biết lý do anh quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp: "Thời gian ấy xưởng gốm nhà mình vẫn rất đơn sơ không có nhiều máy móc hiện đại, hiệu quả kinh tế không cao nên anh em gia đình không ai muốn làm, mình là anh cả phải đứng lên đi đầu để giữ lại nghề này. Vì mình biết nếu mình không làm thì chắc chắn sẽ mất nghề. Một phần là vì tình yêu, tâm huyết với nghề ngấm vào trong máu, một phần là mình không muốn mất nghề truyền thống gắn bó gia đình 7-8 đời nay nên mình quyết định bỏ công việc ở thành phố về quê nối nghiệp."

Để phát triển nghề gốm truyền thống của địa phương, anh Sơn đã vận động anh em trong gia đình, một số thanh niên trong tổ dân phố góp vốn, thuê lại toàn bộ nhà xưởng của Hợp tác xã gốm Quyết Thành trước đây. Sau khi tu sửa lại nhà xưởng, nâng cấp hệ thống lò đốt truyền thống, cơ sở của anh còn mua thêm hệ thống máy nâng, lắp đặt 2 lò đốt bằng ga với tổng kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. 

Những khó khăn bắt đầu xuất hiện

Trở về lập nghiệp với xưởng gốm tại quê nhà, khó khăn đầu tiên với anh là thiếu nguồn nhân lực trẻ, vì hầu hết chỉ còn những người thợ thuộc thế hệ cha chú và không có thanh niên làm việc. Anh Sơn đã phải động viên những thanh niên trong làng và gia đình cùng về quê để phát triển, tiếp bước nghề gốm truyền thống. 

Có những năm nghề gốm trải qua thăng trầm, cộng thêm những năm dịch Covid-19 bùng phát, gốm sản xuất không thể bán ra được, xưởng gốm Liên Kiểm phải tạm dừng hoạt động. Anh Sơn đã từng có suy nghĩ bỏ nghề nhưng nỗi niềm trăn trở với gốm thôi thúc anh phải quyết tâm bám trụ với nghề. 

Trong thời gian tạm dừng hoạt động, anh đã suy nghĩ để sáng tạo thêm những sản phẩm mới, hướng đi mới cho xưởng. Ngoài sản xuất các sản phẩm truyền thống như chum, vò, cối cua, niêu cơm,… anh còn thử sức với các sản phẩm mang xu hướng hiện đại như đồ gốm decor (trang trí), sản phẩm gốm tâm linh (tượng Phật) hay sản phẩm gốm du lịch. 

Chàng trai 8x bỏ phố về quê phát triển nghề gốm truyền thống, thu về 2 tỷ đồng/năm  - Ảnh 3.

Anh Sơn cùng với những đồ món gốm đa dạng do chính tay mình tạo ra. Ảnh: Thu Hương

Tình yêu nghề được đền đáp xứng đáng 

Hiện nay, cơ sở xưởng gốm Liên Kiểm của anh được mở rộng với diện tích 240.000 m2 với nhiều thiết bị máy móc hiện đại. Mỗi năm, xưởng sản xuất và cung cấp ra ngoài thị trường gần 2 vạn sản phẩm đa dạng, mẫu mã khác nhau. Nhờ đổi mới sáng tạo liên tục, xưởng gốm Liên Kiểm trở thành một điểm đến tin cậy của đối tác khắp nơi, mang lại doanh thu gần 2 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, cơ sở của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 7 người lao động với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ. 

Chàng trai 8x bỏ phố về quê phát triển nghề gốm truyền thống, thu về 2 tỷ đồng/năm  - Ảnh 4.

Anh Lại Tuấn Sơn vinh dự nhận giải thưởng Lương Đình Của năm 2020. Ảnh: Thu Hương

Với những đóng góp của mình cho quê hương, vào tháng 12/2020, anh Lại Tuấn Sơn đã vinh dự nhận Giải thưởng Lương Đình Của do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dành cho "Nhà nông trẻ tiêu biểu xuất sắc". Tiếp đó năm 2021, anh Sơn được công nhận là "Thợ giỏi tỉnh Hà Nam". Sản phẩm "Bình gốm cao cấp tắc kè" thuộc xưởng gốm Liên Kiểm xuất sắc đạt 1 trong 20 sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Nam năm 2021. 

Anh Sơn chia sẻ: "Trong tương lai mình sẽ phát huy sản xuất sản phẩm truyền thống và nâng cao mẫu mã, chất lượng các mặt hàng decor, hàng mĩ thuật lên tầm cao mới. 

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản phẩm phục vụ cho khách du lịch, xây dựng thêm khu triển lãm cho các bạn trẻ, thiếu nhi tham quan, trải nghiệm làm gốm để các cháu hiểu rõ và trân trọng nghề truyền thống của dân tộc ta."

Anh Lại Tuấn Sơn là một trong những tấm gương tiêu biểu về thanh niên trẻ giàu nghị lực, chăm chỉ, biết nắm bắt thời cơ, tận dụng điều kiện lợi thế sẵn có để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Muốn làm giàu, ngoài chăm chỉ, nỗ lực thì phải biết tận dụng thời cơ, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm và có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.