Dân Việt

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phó Hiệu trưởng nghi tự thiêu tử vong ở nghĩa địa; tin mới vụ Nguyễn Phương Hằng

A.Đ (T/H) 07/04/2023 19:00 GMT+7
Phát hiện 1 Phó Hiệu trưởng nghi tự thiêu tử vong ở nghĩa địa; thông tin mới vụ Nguyễn Phương Hằng; kéo đến trường hỗn chiến, một học sinh lớp 9 tử vong... là những tin nóng 24 giờ qua.

Phát hiện 1 Phó Hiệu trưởng nghi tự thiêu tử vong ở nghĩa địa

Như Dân Việt đã thông tin: Trưa 7/4, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị xác nhận, đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng liên quan bàn giao thi thể của người đàn ông bị tử vong nghi tự thiêu cho gia đình lo hậu sự.

Phát hiện Phó hiệu trưởng tử vong ở nghĩa địa, nghi tự thiêu - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc. Ảnh: N.V

Người đàn ông này là Nguyễn Đức H (SN 1977, quê ở thôn Thủy Ba Hạ, xã Vĩnh Thủy, hiện đang thường trú ở thị trấn Hồ Xá). Ông H là Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bến Hải.

Trước đó, vào khoảng 8h cùng ngày, người nhà ông H và người dân phát hiện ở khu vực nghĩa địa của thôn Thủy Ba Hạ, gần khu vực lăng mộ của gia đình ông H, có một thi thể bị cháy nghi tự thiêu. Cách thi thể bị cháy khoảng 15m có chiếc ô tô của nạn nhân. Trong xe có ví và các vật dụng.

Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo xã đã phối hợp với các lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Theo một số nguồn tin, vào hôm qua 6/4, sau khi dạy xong, ông H. đưa mẹ đi khám. Sau đó, khoảng 15h30, ông H có mua xăng và đi lên vùng nghĩa địa. Được biết, vợ ông H cũng là giáo viên.

CEO Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam, luật sư nói gì về yêu cầu bà Hằng bồi thường 80 tỷ đồng?

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 7/4, Viện KSND TP.HCM cho biết, đơn vị đã tiếp nhận kết luận điều tra từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM về vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) và 4 đồng phạm có hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Viện KSND cùng cấp đã ra lệnh tạm giam CEO Nguyễn Phương Hằng thêm 19 ngày.

CEO Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam, bị yêu cầu bồi thường hơn 80 tỷ đồng - Ảnh 1.

CEO Nguyễn Phương Hằng cùng với tiến sĩ luật Đặng Anh Quân trước lúc bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: DV

Theo kết luận điều tra của vụ án này, ngoài hành vi vi phạm pháp luật của các bị can trong vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng, kết luận điều tra còn ghi nhận về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của 10 bị hại đối với bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm.

Cụ thể, ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Nguyễn Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan,  bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà chưa có yêu cầu bồi thường về vật chất mà yêu cầu bị can Phương Hằng và đồng phạm phải xin lỗi do các phát ngôn xúc phạm mình.

Vợ chồng bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) và ông Lê Công Vinh yêu cầu bị can Phương Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất về vật chất là 30,4 tỷ đồng; bồi thường tổn thất về tinh thần là 14,9 tỷ đồng do các phát ngôn xúc phạm.

Ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) yêu cầu bà Hằng và đồng phạm xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại về vật chất số tiền 43 tỷ đồng do các phát ngôn của bà Hằng đã xúc phạm ông.

Kết luận cũng thể hiện bà Đặng Thị Hàn Ni yêu cầu CEO Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Vẫn theo kết luận điều tra, CEO Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan.

CEO Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam, bị yêu cầu bồi thường hơn 80 tỷ đồng - Ảnh 3.

CEO Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: DV

CEO Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

3 bị can còn lại Nhi, Hà, Tân đã thực hiện các nhiệm vụ: đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream; in các nội dung mà bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho bị can Nguyễn Phương Hằng trước các buổi livestream; chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của bị can Nguyễn Phương Hằng...

Đối với bị can Đặng Anh Quân, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác định đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng Nguyễn Phương Hằng. Trong các buổi livestream này, Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.

Hành vi của Đặng Anh Quân là giúp sức tích cực cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.

Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: Do nghề nghiệp đặc thù nên khó xác định thu nhập chính xác bị mất hoặc giảm sút là bao nhiêu. Tuy nhiên có thể căn cứ vào các hợp đồng bị hủy, bị tạm ngừng không thời hạn do hình ảnh nghệ sĩ có thể làm ảnh hưởng đến chương trình, sự kiện… để làm chứng cứ chứng minh cho yêu cầu bồi thường hoặc căn cứ vào thu nhập của thời gian trước đó như dựa vào thuế thu nhập cá nhân đã nộp để tính thiệt hại và yêu cầu bồi thường.

Theo luật sư Tuấn, nguyên tắc bồi thường là "thiệt hại thực tế đã xảy ra", Điều 3 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 01/01/2023 giải thích khoản 1 Điều 585 Bộ Luật dân sự 2015:

"Thiệt hại thực tế" là thiệt hại đã xảy ra theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này, được tính thành tiền tại thời điểm giải quyết bồi thường. Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại. "Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ" là tất cả các thiệt hại thực tế xảy ra đều phải được bồi thường.

Như vậy, có thể hiểu, dù đã được bồi thường nhưng nếu hậu quả của hành vi trái pháp luật vẫn còn gây thiệt hại thì người gây thiệt hại vẫn phải tiếp tục bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu.

Về tinh thần, khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì thiệt hại tinh thần sẽ được xác định và người bị thiệt hại được nhận một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Trong vụ án liên quan đến CEO Nguyễn Phương Hằng, luật sư Tuấn phân tích có thể hiểu thiệt hại về tinh thần là thiệt hại, tổn thất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, bị xa lánh, bị hiểu nhầm…, do công việc đặc thù của người làm nghệ sĩ, nghệ thuật. Khác với thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tỉnh thần không có tiêu chí chung để xác định cho mọi cá nhân bởi điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân là khác nhau.

Kéo đến trường hỗn chiến, một học sinh lớp 9 tử vong

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 7/4, thông tin từ lãnh đạo xã Ba Lòng (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ một vụ xô xát khiến một học sinh lớp 9 tử vong.

Quảng Trị: Kéo đến trường hỗn chiến, một học sinh lớp 9 tử vong - Ảnh 1.

Xe cứu thương đến đưa nạn nhân đi cấp cứu. Ảnh: CTV

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 13h30 cùng ngày, một nhóm 4 người gồm: Trương Văn L, Nguyễn Văn P, Lê Văn T (cùng SN 2006, học lớp 11 Trường THPT Đakrông) và Nguyễn Văn Q. (SN 2007, học lớp 9, Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang) đi xe máy từ thị trấn Krông Klang về tại cổng Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng.

Quảng Trị: Kéo đến trường hỗn chiến, một học sinh lớp 9 tử vong - Ảnh 2.

Hiện trường vụ hỗn chiến làm 1 học sinh lớp 9 tử vong. Ảnh: CTV

Tại đây, Q. đi vào trường gặp Lê Hữu Q (SN 2008, học lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng). Lúc này, Q. dùng mũ bảo hiểm ném vào Lê Hữu Q. Lê Hữu Q đã dùng dao đâm vào ngực trái của Q. khiến người này tử vong.

Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã đã phối hợp với Công an huyện Đakrông bảo vệ hiện trường, khám nghiệm tử thi và điều tra nguyên nhân vụ việc.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Khởi tố 3 đối tượng vụ cô gái 18 tuổi bị đánh đập, cắt tóc, lột quần áo giữa đường

Như Dân Việt đã thông tin: Trưa 7/4, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tằng Xỉu Phùng (33 tuổi), Nìm Thùy Trang (chị dâu của Phùng, 34 tuổi) và Hỷ Xường Hướng (mẹ ruột của Phùng, 60 tuổi, cùng quê huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) về hành vi làm nhục người khác. Nạn nhân được xác định là chị Đ.B.T. (18 tuổi, quê Cà Mau).

Vụ cô gái 18 tuổi bị đánh đập, cắt tóc, lột sạch quần áo giữa đường: Khởi tố vụ án - Ảnh 1.

3 đối tượng bị khởi tố.

Qua điều tra ban đầu, chiều 27/3, chị T. đi cùng ông V.M.K. (32 tuổi, quê Đồng Nai) trên ô tô biển số tỉnh Bình Dương đến một cửa hàng nằm trên đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Mỹ để mua vật dụng.

Mua xong, cả hai người lên ô tô để đi về thì bất ngờ bị ô tô nhãn hiệu Mercedes màu trắng cùng 3 xe máy chặn đầu ô tô của ông K..

Vụ cô gái 18 tuổi bị đánh đập, cắt tóc, lột sạch quần áo giữa đường: Khởi tố vụ án - Ảnh 2.

Chị T. bị nhóm đối tượng đánh, cắt tóc, lột quần áo.

Phùng cùng bà Hướng, Trang, anh ruột bà Phùng và 3 đối tượng (chưa rõ lai lịch) vây kín ô tô yêu cầu ông K. và chị T. ra khỏi xe, sau đó thực hiện hành vi đánh đập các nạn nhân.

Hướng, Trang và Phùng đã xông vào túm tóc, đánh và cắt tóc, lột sạch quần áo của chị T. để "đánh ghen".

Ngoài ra, các đối tượng còn lấy đi chiếc điện thoại iPhone 14 Promax màu trắng của ông K. (trị giá 29 triệu đồng) rồi rời khởi hiện trường.

Sau đó, ông K. cùng chị T. đến Công an trình báo. Nhận thông tin, Công an TP.Thủ Dầu Một phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương vào cuộc điều tra.

Ông V.M.K. và Phùng kết hôn từ năm 2014. Khoảng từ tháng 1 đến nay, ông K. và Phùng xảy ra mâu thuẫn, sống ly thân nhưng chưa ly hôn.

Tuy nhiên, giữa tháng 10/2022 đến nay, ông K. và chị T. có mối quan hệ tình cảm nên bị gia đình Tằng Xỉu Phùng phát hiện rồi xảy ra vụ việc.

Làm việc với cơ quan chức năng, nhóm người cho biết đã cầm nhầm điện thoại của ông K., sau đó đã chủ động liên hệ với nạn nhân để trả lại tài sản trên.

Tách hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng trong vụ chuyến bay giải cứu

Như Dân Việt đã thông tin: Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an về sai phạm trong vụ "chuyến bay giải cứu", Bộ Quốc phòng có trách nhiệm bố trí cơ sở cách ly, cách tác cách ly y tế đối với những công dân cách ly tại cơ sở quân đội; tiếp nhận, đề xuất, xem xét, cho ý kiến phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay giải cứu theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Tách hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng trong vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh 1.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, đã có 54 người bị truy tố, một người bị tách hồ sơ. Ảnh minh họa.

Về số lượng, tần suất tổ chức các chuyến bay, danh sách doanh nghiệp và số lượng chuyến bay dự kiến được phép thực hiện (tên doanh nghiệp, số chuyến bay đăng ký, địa điểm đón, hãng hàng không vận chuyển, nơi cách ly, ý kiến cảu địa phương, ngày về dự kiến, số lượng người về dự kiến) phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng cách ly y tế tại địa phương. Tại Bộ Quốc phòng, giao Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu và Văn phòng Bộ Quốc phòng thực hiện.

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 54 bị can, trong đó có người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trợ lý Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành; nhiều bị can từng là cán bộ tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải; nhiều người là giám đốc doanh nghiệp…

Đáng chú ý, trong vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan đến hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng sang Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Cũng liên quan vụ án này, ngoài 54 bị can bị đề nghị truy tố, có 1 bị can đang bị truy nã, Cơ quan điều tra đã tách tài liệu để xử lý sau. Bị can này là Trần Thị Hà Liên (44 tuổi, thường trú tại Hà Nội – là lao động tự do), bị khởi tố tội Môi giới hối lộ.

Theo tài liệu điều tra, bị can Trần Thị Hà Liên đã có hành vi làm môi giới trung gian đưa hối lộ số tiền gần 5,6 tỷ đồng cho các cá nhân có thẩm quyền đề xin cấp phép cho Công ty Skyone, ATA và Công ty Việt Nam Travelmart. Cụ thể môi giới đưa cho bị can Vũ Sỹ Cương (nguyên cán bộ Cục QLXNC – Bộ Công an) 4 tỷ 580 triệu đồng, môi giới đưa cho bị can Phạm Trung Kiên (nguyên là chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế) 1 tỷ đồng.