Liên quan đến chủ đề học sinh yêu sớm, cô Nguyễn Thu Lan, giáo viên một trường THCS ở Hà Nội chia sẻ: "Việc học sinh yêu sớm, có quan hệ tình cảm trên mức tình bạn giữa các bạn khác giới hiện nay diễn ra rất nhiều chứ không như thời kỳ trước và không chỉ ở THPT mà cả ở THCS".
Theo cô Lan, khi bắt gặp học sinh có thể hiện tình cảm với nhau, giáo viên phối hợp gia đình trao đổi để các em biết thế nào là đúng đắn, phù hợp, tránh để lại hậu quả xấu. "Ở trường tôi dạy cũng có mấy cặp yêu nhau. Giáo viên và nhà trường quan tâm, trao đổi, phân tích, nói chuyện để các em biết tình cảm này có thể tác động như thế nào; Xác định cho các em biết trong giai đoạn này đâu là việc quan trọng; Quan hệ tình cảm biết cách dừng lại ở đâu cho đúng, để bảo vệ được bản thân mình tốt nhất.
Có em thú nhận là khi yêu mù quáng nên không thể kiểm soát được bản thân và cảm thấy tình yêu đấy là duy nhất, trên tất cả mọi thứ kể cả bố mẹ. Có em có hành động tiêu cực là bỏ nhà ra đi với nhau khi bố mẹ cấm cản. Một khi đã bỏ nhà ra đi thì sự việc càng trở nên nghiêm trọng bởi lúc đó các em có những hành động vượt quá tầm kiểm soát".
Cô Lan cho hay: "Một số phụ huynh "mạnh tay" cài định vị để biết được con học về lúc nào, sau bao nhiêu phút phải có mặt ở nhà. Bởi vì chỉ cần các em bước ra ngoài cổng trường, thầy cô đã không thể bảo vệ các em được nữa".
Thạc sĩ tâm lý Đinh Trinh, giáo viên Trường Phổ thông liên cấp Olympia cũng nhận được tâm sự của học sinh liên quan đến chuyện tình cảm như: "Con thích nhưng bạn không thích con"; "Chúng con thích nhau nhưng bây giờ con không thích nữa thì phải làm thế nào"; "Bạn ấy thích con nhưng thích cả bạn khác"… Theo cô Trinh, đối với những vấn đề liên quan đến chuyện tình cảm của học sinh, thông thường các em sẽ chia sẻ với bạn bè của mình trước, sau đó mới tìm đến thầy cô, bố mẹ hoặc đến phòng tâm lý.
"Tầm tuổi cấp 2,3 các em thích nhau rất dễ để nhận thấy trong trường như nắm tay, đi cùng, ăn cùng, đôi khi còn tựa vai, ôm vội. Cảm xúc này cũng là bình thường ở lứa tuổi này của các em. Tuy nhiên, ở không gian trường học có một số hành vi thân mật sẽ không được phù hợp. Do đó, để đảm bảo không gian chung, nhà trường có những hướng dẫn cho các em về những điều được làm, không được làm trong trường. Một số trường hợp, giáo viên có thể gặp gỡ nói chuyện để hỗ trợ cá nhân cũng như nhắc nhở các em điều chỉnh lại hành vi để phù hợp với không gian trường học. Để bảo vệ các em, các khu vực trong nhà trường cũng có camera giám sát và kiểm soát của Ban an toàn", cô Trinh chia sẻ.
Cô cho rằng, điều quan trọng nhất liên quan đến chuyện nảy sinh tình cảm thích nhau của tuổi học trò là gia đình và nhà trường cần chuẩn bị tốt cho học sinh những hiểu biết về sức khỏe giới tinh, tình dục và trở thành nơi tin cậy, thấu hiểu để các em sẵn sàng tìm đến khi cần được giúp đỡ.
Không chỉ học sinh tuổi teen yêu sớm, các em ở cấp 1 cũng đã bắt đầu có những tình cảm ngô nghê. Cô Lê Mai Hương, giáo viên lớp 2 một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ bức thư của một học sinh nữ viết cho bạn trai cùng lớp với nội dung "ly hôn": "Cậu yêu T.L thì yêu đi. Từ giờ tớ cũng không cấm cậu đá bóng nữa. Cậu không yêu tớ thì thôi".
"Học sinh tiểu học nhanh thích nhanh quên. Hôm trước cô hỏi thích bạn này hôm sau đã thích bạn khác. "Đối tượng" các em cảm mến là những bạn học giỏi, đẹp trai, xinh gái, cô Hương vui vẻ kể. Mặc dù đây chỉ là "tình yêu trẻ con" nhưng qua đây cô cũng lồng ghép câu chuyện giáo dục giới tính cho các em.
Theo Thạc sĩ tâm lý Đinh Trinh, tùy vào giai đoạn lứa tuổi mà chương trình giáo dục giới tính này có sự điều chỉnh phù hợp. Ở cấp tiểu học, các nội dung giáo dục giới tính giúp các em nhận biết sự thay đổi cơ thể của mình qua từng năm và cách chăm sóc, bảo vệ cơ thể. Với cấp 2, các em bước vào tuổi dậy thì, thay đổi lớn về cơ thể, cảm xúc, nhận thức và mối quan hệ xã hội nên chương trình tập trung giúp các em hiểu, thích nghi với giai đoạn mới và xây dựng những kỹ năng để xử lý các tình huống xảy ra xung quanh các mối quan hệ của mình, đặc biệt là tình bạn và các rung cảm đầu đời. Sang cấp 3, nội dung về giáo dục tình dục sẽ được ưu tiên hơn để phù hợp với mối quan tâm của các em ở thời điểm này.
Các bài học ở trường được bố trí dạy ngay trong chương trình chính khóa, theo khung cố định hàng tuần. Bên cạnh đó, các em còn có những khung thời gian để được trao đổi riêng với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cố vấn hoặc chuyên gia thông qua workshop. Nhà trường cũng định kỳ tổ chức hội thảo về giáo dục giới tính cho con, với đối tượng tham gia là các phụ huynh học sinh. Điều này nhằm tạo hiệu quả tốt nhất trong việc để gia đình và nhà trường đồng hành với con trong mọi giai đoạn trưởng thành của tâm sinh lý lứa tuổi.
Thầy Nguyễn Văn Duẩn, giáo viên tâm lý, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay, hoạt động giáo dục giới tính ở trường cũng thường xuyên được thực hiện thông qua công tác phòng tâm lý học đường. Ngoài ra học sinh được học qua những hoạt động sinh hoạt lớp của giáo viên chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ của bộ phận Đoàn Đội và các hoạt động ngoại khóa khác của các câu lạc bộ.
Mặc dù phòng tâm lý và giáo viên chuyên trách tuy nhiên các trường cũng gặp khó khăn là ít có giáo viên đủ chuyên môn tư vấn và những thầy cô chuyên trách thì phải làm khối lượng công việc khác quá nhiều. Thực tế ở nhiều trường, phòng tư vấn hay trong tình trạng đóng cửa, then cài.
"Trường nào tuyển nhân sự chuyên trách thì chỉ dạy khoảng 5 tiết mỗi tuần cho những hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Thế nhưng yêu cầu dạy 40 tiết/tuần mới đủ số tiết nên thời gian còn lại giáo viên phải kiêm nghiệm thêm nhiều hoạt động khác, gây ảnh hưởng đến vai trò chính", thầy Duẩn nói.
>> Bài 3: Phụ huynh phản ứng bất ngờ khi biết con yêu sớm