Dân Việt

Chủ tịch NCB: Chốt tăng vốn lên 11.800 tỷ đồng, tiết lộ về 2 cổ đông nước ngoài

H.Anh 08/04/2023 15:16 GMT+7
Ngày 8/4 tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB – HoSE: NVB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. ĐHĐCĐ đã thông qua việc tăng vốn điều lệ bằng phương án chào bán riêng lẻ cổ phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và các tờ trình khác.

Cụ thể, ĐHĐCĐ NCB đã thông qua việc phát hành riêng lẻ thêm tối đa 620 triệu cổ phiếu, tương đương 111% từ vốn điều lệ, với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ từ mức hơn 5.601 tỷ đồng lên hơn 11.801 tỷ đồng.

Việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn dự kiến hoàn thành trong 3 năm, từ 2023 – 2025. Các đợt chào bán cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất. Giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

NCB chốt tăng vốn điều lệ lên 11.800 tỷ đồng, không loại trừ khả năng lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài - Ảnh 1.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2023 của NCB.

Thảo luận về phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng lên trên 11.800 tỷ đồng, bà Bùi Thị Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT NCB cho biết, HĐQT ngân hàng lựa chọn phương án phát hành riêng lẻ tối đa 620 triệu cổ phiếu là theo đúng lộ trình của Đề án 80 và đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Tuy nhiên, NCB kỳ vọng có thể hoàn thành kế hoạch này sớm hơn mục tiêu và sẽ không chậm hơn năm 2025.

Về mục đích sử dụng vốn, Chủ tịch NCB cho biết, có 3 mục tiêu chính gồm: Đầu tư mạng lưới, lựa chọn dịch chuyển địa điểm kinh doanh; Đầu tư công nghệ, đây là yêu cầu bắt buộc, phù hợp với xu thế. Điều này có thể làm tăng chi phí trong 1-2 năm đầu nhưng trong tương lai sẽ có hiệu quả, cùng với đó hệ thống quản trị rủi ro, giám sát tuân thủ sẽ kịp thời hơn; Tăng năng lực tài chính, theo thông tư 41 Ngân hàng Nhà nước, áp dụng các chỉ số an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế - đây cũng là yêu cầu bắt buộc ngân hàng phải tuân thủ.

Giải thích lý do tại sao chọn phương án phát hành riêng lẻ thay vì phát hành ra công chúng, Chủ tịch NCB tiết lộ các lý do chính là NCB cần thu hút các cổ đông có năng lực quản trị điều hành để giúp ngân hàng nâng cao cả năng lực tài chính và năng lực điều hành.

"Đây cũng là yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Yêu cầu các đối tác cần có nguồn vốn lớn, đủ mạnh để đảm bảo được sự đồng hành lâu dài", bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch NCB, ngân hàng đang có cổ đông Nhật Bản và cổ đông Anh, tuy không phải là cổ đông lớn nhưng tỷ lệ sở hữu cũng không phải là nhỏ. Đây cũng là những đối tác tiềm năng của NCB trong tương lai, bà Hương kỳ vọng trong thời gian tới sẽ tìm được đối tác phù hợp với NCB.

"Việc khoá room ngoại (9%) hiện nay của NCB cũng là một lựa chọn để có cơ hội chọn đúng thời điểm, đối tác và thời gian trong thời gian tới", bà Hương nói.

Trước sự quan tâm của cổ đông về hoạt động của NCB sau sự kiện SCB - Vạn Thịnh Phát, lãnh đạo NCB khẳng định tăng trưởng huy động của nhà băng này vẫn diễn ra bình thường, ổn định. Dẫn chứng là, dù không phải là nhà băng có lãi suất huy động thuộc TOP 3 thị trường, nhưng trong quý cuối năm 2022, NCB vẫn ghi nhận tăng trưởng huy động vốn lên tới 6.300 tỷ đồng.

NCB chốt tăng vốn điều lệ lên 11.800 tỷ đồng, không loại trừ khả năng lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài - Ảnh 3.

Chủ tịch NCB Bùi Thị Thanh Hương trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội.

Cũng theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua, NCB đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 đạt quy mô tổng tài sản 94.500 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 21% so với đầu năm.

Lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại (PACCL) đề ra cho năm 2023 là 16 tỷ đồng. Quy mô khách hàng mục tiêu là 1 triệu khách hàng.

Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra, NCB dự kiến sẽ khai thác vào phân khúc khách hàng cá nhân cao cấp, có thu nhập cao, chủ sở hữu doanh nghiệp, phát triển ngân hàng số hướng đến giới trẻ. Trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp, khai thác hiệu quả các khách hàng hiện hữu, khách hàng thuộc chuỗi cung ứng của các đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với NCB.

Về nội dung nhân sự, đại hội đã nhất trí tán thành bổ sung bà Đỗ Thị Đức Minh và ông Nguyễn Văn Quang vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025.