Clip: Sơn La: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Trong chuyến công tác lên Tây Bắc lần này, chúng tôi có dịp trở lại bản Khòng xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ (Sơn La). Bản có hơn với hơn 60 hộ dân là đồng bào dân tộc Thái. Trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, thu nhập thì hạn hẹp, đối sống thì thiều thốn. Thế nhưng nhờ triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, người dân nơi đây đến nay đã có nhiều thay đổi.
Gia đình chị Ngần Thị Đạ bản Khòng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ (Sơn La), cuối năm 2020, cùng với hơn 20 hộ gia đình trong bản được nhà nước hỗ trợ giống dê từ nguồn vốn 30a. Chỉ sau 2 năm gia đình chị cùng các hộ dân trong bản đã phát triển và nhân rộng đàn dê của nhà, qua đó góp phần ổn định đời sống.
"Nuôi dê thì ít bệnh tật, cỏ thì xung quanh nhà tôi có nên không gặp nhiều khó khăn. Khi gia đình tôi nuôi thì bây giờ cũng đẻ được 5 con, kinh tế cũng khá giả hơn". Chị Ngần nói.
Ông Vì Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, (Vân Hồ, Sơn La) cho biết: Trong số đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Chiềng Khoa nói chung và các đối tượng được hỗ trợ, xã cử cán bộ chuyên môn xuống trực tiếp hướng dẫn cho những hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách, về kỹ thuật chăn nuôi hướng dẫn họ để họ nắm được cách phòng bệnh và phát triển.
Còn tại xã Xuân Nha, đây cũng là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Xã có 8 bản hầu hết là đồng bào DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42,35%. Từ năm 2020 đến nay, hơn 250 hộ nghèo DTTS được hỗ trợ sinh kế phát triển sản xuất, với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng.
Bà Đinh Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Xuân Nha cho biết: Nhiều hộ DTTS đã cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao; đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Chương trình 135 hỗ trợ gần 600 cây xoài Đài Loan cho 46 hộ nghèo, cận nghèo tại bản Thín, Pù Lầu, Chiềng Hin.
Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho 5 hội viên vay 500 triệu đồng với lãi suất thấp, để triển khai 5 mô hình nuôi bò nhốt chuồng tại bản Nà An, với 30 con bò giống và xây dựng hệ thống tưới ẩm trên diện tích trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, và đóng góp của người dân, đến nay có 9,3 km đường nội bản, liên bản được bê tông, 4 nhà văn hóa bản được tu sửa, xây dựng mới; hoàn thành 2 công trình thủy lợi kiên cố tại bản Pù Lầu, Chiềng Nưa.
Gia đình ông Đinh Văn Ểu, ở bản Thìn, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ (Sơn La), trước đây gia đình anh còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào các loại cây trồng trên nương, như ngô, sắn. Gia đình ông có làm đến mấy cũng chỉ đủ ăn.
Thế nhưng từ khi được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng cỏ nuôi bò, nhờ vậy đến nay cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, không những thoát nghèo mà con vươn lên làm giàu.
Không chỉ được hỗ trợ vay vốn để phát triển chăn nuôi, hàng năm ông Ểu còn được tham gia các lớp tập huấn, lợp khuyến nông về kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi bò hiệu quả do Hội Nông dân các cấp tổ chức. Nhờ vậy, đàn bò của gia đình ông được chăm sóc bài bản, sinh trưởng và phát triển tốt. Từ 4 con bò mẹ sinh sản năm 2017 đến năm 2022, tổng số lượng đàn bò của gia đình ông đã tăng lên gần 30 con.
"Gia đình tôi vui lắm cán bộ ạ, nhờ được Hội Nông dân hỗ trợ vay vốn để phát triển chăn nuôi gia đình tôi mới được như ngày hôm nay. Giờ gia đình không sợ đói nghèo nữa. Năm vừa rồi tôi bán đi hơn chục con, được hơn 200 triệu đồng. Một phần số tiền bán bò, gia đình trả lại cho Hội nông dân để các hộ khác có thể được vay phát triển kinh tế. Phần còn lại gia đình sửa lại nhà và để dành tiết kiệm nuôi con ăn học.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Hồ, Sơn La cho biết: Huyện Vân Hồ có 119 bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 90 bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, huyện triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình 135 và các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ nghèo và người có uy tín.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Vân Hồ (Sơn La) hỗ trợ đầu tư xây dựng 15 công trình giao thông, giáo dục, nhà văn hóa, nước sinh hoạt; hỗ trợ hơn 5,1 tỷ đồng sửa chữa 3 công trình giao thông tới khu sản xuất cho các bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Xuân, Tân Xuân, Song Khủa; hỗ trợ hơn 58.273 cây giống ăn quả cho 419 hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các xã vùng 3, xã biên giới, xã vùng 2 có bản đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng xây dựng 5 nhà văn hóa bản tại các xã Quang Minh, Suối Bàng, Mường Tè, Chiềng Yên; hỗ trợ tập huấn, học tập kinh nghiệm, phục dựng lễ hội truyền thống; cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho 90 hộ DTTS nghèo tại các xã Mường Tè, Chiềng Yên với tổng kinh phí 140 triệu đồng. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 4%-5%/năm.
Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 26%, cận nghèo 12,34%; tỷ lệ dân tộc chiếm 93,4%; có 119 bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 90 bản đặc biệt khó khăn. Năm 2023, huyện Vân Hồ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%. Để đạt được kết quả nêu trên, công tác lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện rất quyết liệt, kịp thời và sâu sát, cụ thể, phát huy sự năng động, sáng tạo và sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đặc biệt thể hiện được “ý Đảng hợp lòng dân” trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn.
Cùng với tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Vân Hồ sẽ tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, khuyến khích đồng bào tham gia phát triển du lịch, từ đó tạo sinh kế cho bà con. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
"Trong thời gian tới phòng dân tộc sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, cùng triển khai tổng thể 3 chương trình, sẽ tham mưu cho huyện thực hiện tốt sử dụng nguồn vốn trong việc đầu tư hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, để nâng cao vật chất đời sống tinh thần cho bà con, hỗ trợ về đời sống giáo dục, phát huy bản sắc dân tộc" ông Cường nói.