Dự báo về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã: PLX), chuyên gia của VCBS cho rằng, năm 2023, nhờ vào các "điểm sáng" trên thị trường xăng dầu, PLX sẽ khắc phục được những khó khăn. Trước đó, năm 2022, Petrolimex phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá dầu biến động mạnh, nguồn cung thiếu hụt, phải nhập khẩu xăng dầu giá cao trong khi giá bán trong nước chưa kịp thời điều chỉnh.
Chuyên gia VCBS dự báo, năm 2023, hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn sẽ duy trì 65 - 70% nguồn cung xăng dầu trong nước do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định trở lại từ quý III/2022. Vì thế, biên lợi nhuận gộp mảng xăng dầu của Petrolimex có thể cải thiện so với năm trước.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Petrolimex đã đạt doanh thu khủng với 78.383 tỉ đồng, tăng trưởng 58,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính trong kỳ của doanh nghiệp này cũng tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, đạt 920 tỉ đồng; phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt 144,8 tỉ đồng, giảm nhẹ so với quý IV/2021.
Kết thúc quý IV/2022, Petrolimex báo lãi sau thuế 1.414,2 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Petrolimex đạt 304.080,2 tỉ đồng, tăng 79,9% so với năm 2021, tương ứng với mức thu 833 tỉ đồng mỗi ngày.
Kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý cuối năm 2022 cũng được ghi nhận ở Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil - Mã chứng khoán: OIL). Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của PVOIL đạt 104.833 tỉ đồng, hoàn thành 233% kế hoạch và tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. Doanh thu của PVOIL đến từ hai lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu (chiếm 67%) và kinh doanh dầu thô quốc tế (chiếm 33%). PVOIL lập kỷ lục về doanh thu trong năm 2022 nhờ gia tăng mạnh về sản lượng tiêu thụ, đồng thời với giá xăng dầu, dầu thô đều tăng cao so với kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 912 tỉ đồng, gấp 1,8 lần kế hoạch giao; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 657 tỉ đồng, gấp 1,6 lần kế hoạch giao. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 723 tỉ đồng và công ty mẹ mang về 555 tỉ đồng.
Trái ngược với bức tranh tươi sáng của Petrolimex và PVOil, CTCP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (Mã chứng khoán: PSH) - doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có hơn 550 đại lý ở Tây Nam bộ, vừa báo lỗ lần đầu tiên từ khi bắt đầu công bố báo cáo tài chính.
Cụ thể, PSH ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 7.355,1 tỉ đồng, tăng trưởng 28,1% so với năm trước, nhưng chỉ hoàn thành 50,8% kế hoạch doanh thu đề ra trước đó. Lợi nhuận gộp giảm 69,2% so với cùng kỳ, trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng lần lượt tăng 24,6% và 8% so với năm 2021 đã khiến PSH báo lỗ ròng 199,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi 319,4 tỉ đồng.
Năm 2023: "Ông lớn" xăng dầu sẽ có thêm thị phần
Chuyên gia của VNDirect dự báo giá dầu trung bình năm 2023 đạt 90 USD/thùng, trong khi nhu cầu dầu thô toàn cầu giảm tốc.
Đối với doanh nghiệp phân phối xăng dầu, VNDirect dự báo các doanh nghiệp sẽ có năm 2023 tích cực hơn, tiềm năng phục hồi mạnh của các doanh nghiệp phân phối lớn (từ mức nền thấp năm 2022) nhờ giá dầu thế giới dự kiến ổn định, tăng tỉ trọng nguồn cung nội địa, chi phí định mức được điều chỉnh sát với thị trường và đặc biệt nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép 5,5% giai đoạn 2022 - 2030...
Đáng chú ý, VNDirect cũng cho rằng, các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex, PV Oil có thể có thêm thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng bị loại khỏi thị trường sau năm 2022 đầy khó khăn.