Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài 53,5km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 23,7km, còn lại đi qua tỉnh Tây Ninh. Ở giai đoạn 1, dự án thực hiện từ năm 2021 - 2025 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng theo hình thức đối tác công - tư. Riêng việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.
Tại TP.HCM, đường cao tốc này đi qua 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi. Hiện tại, chính quyền các địa phương đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư đến đóng góp cho sự phát triển khu vực phía Tây Bắc của thành phố.
Theo các chuyên gia, công trình giao thông trọng điểm này khi đi vào khai thác sẽ tăng khả năng kết nối giao thương trong khu vực và lân cận. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh.
Điều này nhằm khai thác tiềm năng của huyện, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình đi lên khu đô thị sinh thái, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao...
Ngoài ra, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài còn góp phần kết nối các trung tâm kinh tế, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu vực kinh tế ASEAN.
Khảo sát thực tế, từ lúc có đề án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua, thị trường nhà đất tại Củ Chi, Hóc Môn đã tăng nhiệt. Riêng tại huyện Củ Chi, tuyến đường cao tốc dự kiến đi ngang qua các xã: Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Thạnh, Trung Lập Hạ rồi giao với TL7 và đi về hướng Tây Ninh, giá đất ở đây cũng nhích lên từng ngày.
Trước tầm quan trọng của dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) vừa đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Mục tiêu Ban Giao thông hướng đến là sớm hoàn thành dự án vào năm 2027 để đồng bộ với tiến độ dự án cao tốc Bavet - Phnom Penh (Campuchia) đang triển khai.
Tuyến cao tốc TP.HCM – Tây Ninh bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TP.HCM) kết nối vào Quốc lộ 22 tại Km 53+850 (trước Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh).
Về nguồn vốn, Ban Giao thông kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng, chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương để đảm bảo giải ngân trong năm 2025.
Về việc triển khai dự án, đơn vị này kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM, Tây Ninh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đỗ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Đối với các bộ ngành, Ban Giao thông cũng kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).
Song song đó, kiến nghị Bộ Quốc phòng khẩn trương có ý kiến thống nhất về phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn tránh đất quốc phòng ở địa bàn huyện Củ Chi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp trình Thủ tướng chấp thuận bố trí nguồn vốn trung ương hỗ trợ hai địa phương.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng có văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM làm rõ về quy mô đầu tư dự án giai đoạn hoàn chỉnh. Theo Sở GTVT, tại quyết định số 326/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được quy hoạch từ 6 - 8 làn xe.